Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính – Thực tiễn thi hành

Thứ hai - 11/12/2023 22:55 790 0
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Tùy vào hành vi vi phạm hành chính sẽ có các chế tài xử lý phù hợp như hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì không phải tất cả các quyết định xử phạt sau khi ban hành đều được người vi phạm chấp hành nghiêm túc mà phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp: cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Về xác định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế
Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bởi Khoản 44 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020). Giữa thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì có thể thấy giữa hai thẩm quyền này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong mối liên hệ này, thẩm quyền xử phạt phát sinh trước, còn thẩm quyền cưỡng chế phát sinh sau. Do vậy, những chức danh có thẩm quyền cưỡng chế hầu hết là những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không phải mọi chức danh có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho hơn 180 chức danh. Trong khi đó Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định cho hơn 100 chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.Việc quy định này đã tạo ra sự “linh động” trong quá trình thi hành pháp luật cho các chức danh có thẩm quyền, bởi trong quy trình xử lý vi phạm hành chính việc tuân thủ về trình tự thủ tục hết sức chặt chẽ, đặc biệt về mặt thời hạn vì trong thực tiễn không phải lúc nào các chức danh này cũng có mặt để xử lý kịp thời các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình.
Về nguyên tắc áp dụng và các biện pháp cưỡng chế: 
Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền;  Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương; Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính (Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này). Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế 
Về thời hạn ban hành quyết định cưỡng thế thì Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP không có quy đinh cụ thể về thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế. Đối với việc cưỡng chế thu tiền xử phạt tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 chỉ quy định nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.
Về trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế
Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới; Đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho một cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế; Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế.
 Một số nội dung cần lưu ý trong thực tiễn cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Phải xác định đúng người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Trường hợp người có thẩm quyền cưỡng chế giao quyền cho cấp phó thì việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền (theo Mẫu số MQĐ35 phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính). Và căn cứ vào biện pháp cưỡng chế (khấu trừ một phần lương/một phần thu nhập; khấu trừ tiền tài khoản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, ...) để áp dụng đúng mẫu quyết định cưỡng chế tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phù hợp với từng vụ việc cụ thể.
- Xác định thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật XLVPHC thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Theo quy định tại Điều 74 Luật XLVPHC thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
- Lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp: Thứ tự lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC ngày 12/11/2013 thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi  hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Xác minh thông tin về đối tượng và điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế để có căn cứ lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp.
- Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa không chấp hành một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 hoặc 4 Chương II và Mục 5 Chương II Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ  đối với cá nhân, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây