Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP những bất cập và hạn chế trong triển khai thực hiện

Thứ năm - 22/12/2022 02:45 459 0
Qua 10 năm triển khai thực hiện nghị định 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh, với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã từng bước đi vào nề nếp, nghiêm túc, dần đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình hình thi hành pháp luật đến nay, một số quy định trong Nghị định 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất cả về phạm vi, hình thức thể hiện, đối tượng thực hiện, còn mang tính khái niệm, chung chung, chưa cụ thể dẫn đến việc hiểu và áp dụng vào thực tế tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa được thống nhất như:
Bất cập, hạn chế về quy định của pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
1. Nội dung yêu cầu theo dõi thi hành pháp luật rộng và phức tạp, chưa có tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật cũng như tiêu chí cụ thể, rõ ràng  còn mang tính chất định tính nên việc đánh giá hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật là rất khó. Một số nội dung đánh giá hầu như không có tiêu chí nên không có cơ sở để đánh giá. Ví dụ, đối với nội dung đánh giá về hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật yếu tố này khó có thể định lượng được. Do đó việc đánh giá đối với tiêu chí này tại địa phương hoàn toàn mang tính định tính, mặc dù hoạt động tuyên truyền có số liệu định lượng nhưng không có cơ sở đánh giá hiệu quả của các hoạt động này.
2. Để thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, đánh giá đầy đủ tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực, địa bàn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên các quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước chưa rõ, chưa cụ thể, không có biện pháp để kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm phối hợp làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.
3. Một số quy định của Nghị đinh 59/2012/NĐ-CP chưa rõ ràng, cụ thể về cơ chế, cách thức triển khai thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, dẫn đến quan điểm khác nhau trong việc hiểu và áp dụng, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác này.
4. Các điều kiện đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của nghị định 59/2012/NĐ-CP chưa được hướng dẫn như: điều kiện về kinh phí, nhân lực…làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
5. Kết quả của việc thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật là cơ quan thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi khi phát hiện sai sót nhưng lại không quy định biện pháp, chế tài, trách nhiệm của người không xử lý theo kiến nghị nên hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa cao.
6. Nghị định quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm “Ban hành chỉ tiêu thống kê ngành theo quy định tại Nghị định này” nhưng đến nay vẫn chưa ban hành chỉ tiêu thống kê ngành để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan. Nếu chỉ đánh giá một cách định tính, chung chung sẽ rất khó để có kết luận đầy đủ, chính xác về tình hình tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức ở địa phương đồng thời không thống nhất trong việc đánh giá.
Bất cập, hạn chế trong thực tiễn tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
1. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có phạm vi theo dõi rộng, tuy nhiên việc nhận thức của một số cơ quan, công chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác này vẫn chưa được đầy đủ, còn tâm lý cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp nên chưa có sự chủ động, quan tâm đúng mức.
2. Cán bộ công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chủ yếu là kiêm nhiệm, nhiều công chức rơi vào tình trạng quá tải trong công việc, chưa chủ động nghiên cứu văn bản và các quy định pháp luật chuyên ngành, chưa cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới, chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ nên ảnh hưởng ít, nhiều đến hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
3. Công tác báo cáo, thống kê theo ngành, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo đầy đủ đáp ứng yêu cầu của nội dung báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định.
4. Hoạt động kiểm tra tình hình theo dõi thi hành pháp luật chồng chéo với hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành hoặc quá nhiều cơ quan có chức năng và thực hiện kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thanh tra.
5. Về cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc thi hành pháp luật được bố trí, đầy đủ, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn trong tình hình mới, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, địa phương.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây