Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai

Thứ ba - 05/09/2023 21:42 1.359 0
Ngày 13/11/2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022). Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022).
Theo đó, một loạt các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với các quy định mới có hiệu lực của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như chúng ta biết, “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính” là một trong số các biện pháp khắc phục hậu quả mà Luật xử lý vi phạm hành chính và một số nghị định xử phạt có quy định, trong đó lĩnh vực đất đai. 
Qua việc thực hiện công tác chuyên môn được giao và thực hiện tham mưu công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, thực tế tại địa phương trong thời gian qua. Dưới góc nhìn của bài viết xin được bình luận, nêu quan điểm về vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai như sau:
1. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Thẩm quyền phạt tiền của người có thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
 Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
 - Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
2. Cách áp dụng mức phạt tiền
Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
3. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã
Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đối với hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã thì ngoài áp dụng mức phạt tiền thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền của áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 06/11/2022) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể tại Khoản 1 Điều 38:
"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
“Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.”
Do đó, có thể thấy theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp xã không còn có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm", việc áp dụng biện pháp "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm" thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh.
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm về chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… thường xuyên xảy ra ở mức độ nhỏ lẻ. Xét về mức phạt tiền thường thuộc mức phạt thấp và đa số thuộc khung thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.
Như trên đã dẫn, Chủ tịch UBND cấp xã không còn có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ‘Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”. Do đó, tất cả các vụ việc vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đều không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã dù diện tích vi phạm rất nhỏ, thời gian vi phạm ngắn, hậu quả không lớn, việc xử lý vi phạm hành chính đơn giản, việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong khả năng của Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, như quy định hiện nay, các vụ việc này đều phải chuyển cho Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành xử phạt.
Điều này dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính sẽ phức tạp hơn trước đây, cùng với việc quy định thời hạn trong Luật Xử lý vi phạm hành chính việc đáp ứng đúng thời hạn, thời hiệu gặp nhiều khó khăn khi một vụ việc đơn giản phải thực hiện qua nhiều cấp, nhiều khi cấp trên tiếp nhận hồ sơ của cấp dưới, muốn ra được quyết định xử phạt còn cần phải tiến hành xác minh nhiều lần.
Với quan điểm của người viết bài, xét thấy cần sửa đổi quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm" cho phù hợp. Có thể theo hướng quy định về mức áp dụng tương đương như các quy định về trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây