Quan niệm về xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của nhà nước

Thứ tư - 15/02/2023 23:01 350 0
Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước mọi mặt đời sống xã hội, Nhà nước còn có chức năng phục vụ, cung ứng dịch vụ công vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội và công dân của mình để bảo đảm công bằng xã hội. Chức năng quản lý và cung ứng dịch vụ công được xem là một vai trò thiết yếu của Nhà nước và càng ngày càng được đề cao, đặc biệt trong bối cảnh một quốc gia đã và đang chuyển sang nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền phục vụ nhân dân.
Thứ nhất, có thể nói, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một loại hình dịch vụ công thuộc chức năng xã hội của Nhà nước, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Ở nước ta, PBGDPL của nhà nước được hiểu là việc Nhà nước cung cấp dịch vụ PBGDPL miễn phí cho toàn thể cán bộ và Nhân dân trên cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nói chung và các đối tượng yếu thế nói riêng có nhiều khó khăn để tiếp cận pháp luật, giúp họ thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
PBGDPL được xem là một loại hình dịch vụ công vì bản thân hoạt động này đáp ứng đầy đủ các đặc trưng cơ bản của một dịch vụ công như:
(i) Là hoạt động phục vụ cho lợi ích chung thiết yếu, bảo đảm quyền và lợi ích của các nhóm đối tượng trong xã hội;
(ii) Do Nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội (trực tiếp hoặc uỷ quyền) cung ứng dịch vụ. Ngay cả khi Nhà nước chuyển giao dịch vụ này cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước cung ứng thì Nhà nước vẫn có vai trò điều tiết đặc biệt nhằm đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong phân phối các dịch vụ này, khắc phục các điểm khiếm khuyết của thị trường;
(iii) Không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, chất lượng và hiệu quả trong cung ứng dịch vụ.
Theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về PBGDPL gồm: a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật theo quy định của pháp luật; b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở.
Với tính chất của PBGDPL là một dịch vụ công thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn: i) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về PBGDPL; về xã hội hóa hoạt động PBGDPL; ii) Hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, phổ biến, giáo dục pháp luật là loại dịch vụ công có thể xã hội hóa (XHH).

Với tính chất là một dịch vụ công, việc XHH hoạt động PBGDPL cần được hiểu trong bối cảnh chung về XHH các dịch vụ công gắn với việc đổi mới vai trò và cách thức quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ công ở nước ta. Xã hội hóa (phi nhà nước hóa) dịch vụ công là quá trình nhà nước huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào việc cung ứng dịch vụ công và/hoặc chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân thực hiện[1]. Quá trình này diễn ra khi các nguồn lực của Nhà nước (nhân lực, tài lực) hạn chế, không đủ để nhà nước trực tiếp cung ứng toàn bộ các dịch vụ công một cách hiệu quả, có thể dẫn đến các hệ quả tiêu cực (như chất lượng dịch vụ thấp; quan liêu, cửa quyền, tiêu cực...) trong khi đó, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân có đủ năng lực, điều kiện thực hiện và có thể thực hiện có hiệu quả việc cung ứng dịch vụ công.
Mục tiêu của quá trình XHH dịch vụ công là huy động các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện để xã hội tham gia cung ứng dịch vụ công, thúc đẩy sự cạnh tranh, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, đồng thời làm cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giầu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Về nguyên tắc, nhà nước chỉ trực tiếp cung ứng dịch vụ công trong các trường hợp: không có cá nhân, tổ chức xã hội nào đủ nguồn lực và tài chính để cung ứng dịch vụ hoặc những dịch vụ mà cá nhân, tổ chức có thể làm nhưng họ không muốn tham gia vì không tìm thấy lợi ích của mình; những dịch vụ mà cá nhân, tổ chức có thể thực hiện được nhưng vì hiệu quả xã hội hoặc vì mục tiêu công bằng xã hội, vì tránh những hậu quả xấu về mặt chính trị, mà về cơ bản, Nhà nước vẫn phải trực tiếp đảm nhiệm. Đối với việc cung ứng những dịch vụ công khác, xu hướng mở cửa cho sự tham gia của xã hội, của khu vực tư nhân đã được nhiều Chính phủ quan tâm, thúc đẩy.
Nhìn từ góc độ XHH dịch vụ công, có thể khẳng định PBGDPL là loại dịch vụ công có thể xã hội hóa vì đáp ứng các điều kiện sau: i/ các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước có đủ năng lực để tham gia vào việc cung cấp dịch vụ PBGDPL; ii/ việc cung cấp dịch vụ PBGDPL với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước đáp ứng được yêu cầu thiết yếu về thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng được thụ hưởng, góp phần bảo đảm trật tự, công bằng xã hội, không gây ảnh hưởng về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh; iii/ nhà nước có thể giám sát quá trình cung ứng dịch vụ PBGDPL và kiểm soát chặt chẽ các đặc tính đầu ra của dịch vụ (chất lượng, hiệu quả PBGDPL) đảm bảo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cung cấp dịch vụ.
Thứ ba, xã hội hóa hoạt động PBGDPL có thể được thực hiện theo hai cách thức cơ bản của xã hội hóa dịch vụ công, đó là: (1) Nhà nước huy động sự tham gia của các nguồn lực (nhân lực, tài lực) thuộc khu vực ngoài nhà nước vào cung ứng dịch vụ PBGDPL miễn phí của Nhà nước; (2) Nhà nước từng bước chuyển giao dịch vụ PBGDPL cho các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, lựa chọn cách thức nào là do khả năng tham gia của xã hội vào lĩnh vực PBGDPL quyết định mà khả năng đó phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan ở từng giai đoạn phát triển, không thể tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà nước.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa hoạt động PBGDPL phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của hoạt động PBGDPL, cụ thể:

 iYêu cầu về chất lượng dịch vụ PBGDPL và chất lượng của những người cung cấp dịch vụ PBGDPL.
Về bản chất, PBGDPL là hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. Do đó, người thực hiện PBGDPL phải có tính chuyên nghiệp cao, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.
Để đảm bảo chất lượng PBGDPL, Nhà nước phải kiểm soát được chất lượng của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện PBGDPL bao gồm các báo cáo viên pháp luật được hưởng lương từ ngân sách nhà nước để thực hiện PBGDPL, các luật sư, tư vấn viên pháp luật đang hành nghề tự do, tuyên truyền viên pháp luật, những người được mời tham gia PBGDPL..., cung cấp các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu toàn xã hội. Đồng thời, Nhà nước phải có đủ các công cụ, tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá, đo lường chất lượng các hoạt động PBGDPL, theo quy định của pháp luật đồng thời đo lường sự hài lòng của người sử dụng (bao gồm cả các cơ quan tư pháp) và người được thụ hưởng dịch vụ PBGDPL.

ii/ Yêu cầu về hiệu quả cung cấp dịch vụ PBGDPL.
PBGDPL là dịch vụ pháp lý miễn phí cho toàn thể cán bộ, người dân trên cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, về bản chất, đó là việc Nhà nước, bằng các nguồn lực của mình và do mình huy động được, thay mặt cho khách hàng (đối tượng thụ hưởng PBGDPL) trả phí dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức cung cấp PBGDPL để đảm bảo chất lượng PBGDPL cũng phải được ngang bằng với chất lượng của các dịch vụ PBGDPL có thu phí khác nhằm tạo ra sự công bằng trong việc hưởng quyền và lợi ích của đối tượng thụ hưởng. Do đó, dù XHH bằng cách thức nào thì Nhà nước vẫn luôn phải đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức, huy động, điều phối và bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong việc cung cấp dịch vụ PBGDPL đáp ứng nhu cầu của xã hội; đảm bảo kinh phí của Nhà nước được sử dụng đúng người, đúng việc, đúng pháp luật, không gây lãng phí. Trong quá trình XHH hoạt động PBGDPL, Nhà nước phải kiểm soát được cả về kinh phí thực hiện và chất lượng, hiệu quả hoạt động PBGDPL./.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây