Thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Thứ năm - 22/12/2022 21:55 626 0
Thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi tắt là Nghị định).
Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục
Thứ nhất, nguyên tắc phân công:
- Người được phân công giúp đỡ là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục;
- Một người có thể được phân công giáo dục, quản lý, giúp đỡ nhiều người nhưng không quá 03 người cùng một thời điểm.
Trường hợp người được phân công giúp đỡ không còn điều kiện giúp đỡ hoặc không hoàn thành trách nhiệm được giao, thì tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý phải kịp thời phân công người khác thay thế và phải thông báo bằng văn bản đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ hai, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành hoặc nhận được quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội phân công một người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.
Về Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục, căn cứ thời hạn áp dụng biện pháp, người được phân công phải xây dựng kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.
Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ gồm các nội dung chủ yếu:  Nội dung và hình thức giáo dục; Các biện pháp cụ thể để giám sát, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ người được giáo dục, thời gian thực hiện, việc phối hợp với gia đình và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; Nội dung phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan tại địa phương đối với trường hợp người chưa thành niên ở tại cơ sở bảo trợ xã hội; Ý kiến của người đứng đầu tổ chức được giao giáo dục đối với kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ.
Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ phải được gửi cho người được giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để lưu hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Nội dung và hình thức giáo dục
Một là, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản:
- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy;
- Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục;
- Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
- Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước;
- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Hai là, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được thực hiện bằng các hình thức cơ bản: Gặp gỡ trực tiếp gia đình, người được giáo dục; Giới thiệu tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; Cung cấp tài liệu giáo dục tại xã, phường, thị trấn và mời chuyên gia, người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia giáo dục cho người được giáo dục; Thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp giáo dục, quản lý; Yêu cầu người được giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giáo dục, quản lý; Tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở trong trường hợp cần thiết.
Không tổ chức cuộc họp góp ý đối với trường hợp người được giáo dục là người chưa thành niên.
Cam kết của người được giáo dục: Người được giáo dục gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình.
Nội dung cam kết gồm: Chấp hành nghiêm pháp luật, nghiêm túc sửa chữa sai phạm; Thực hiện tốt nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện; Tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề phù hợp; Tham gia các hoạt động công ích với hình thức phù hợp; Tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; Có mặt khi được yêu cầu; Thực hiện nghiêm quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú.
Trường hợp người được giáo dục không biết chữ hoặc không thể viết được cam kết thì có thể nhờ người khác viết hộ, người được giáo dục phải điểm chỉ vào từng trang của bản cam kết.
Cam kết của người chưa thành niên phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục
Một là, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức và người được phân công giúp đỡ có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư ở cơ sở và gia đình trong việc theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện nội dung kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục;
Hai là, cơ quan, tổ chức xã hội liên quan tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ sở bảo trợ xã hội để cùng giáo dục, quản lý người được giáo dục.
Ba là, cá nhân, tổ chức được phân công giúp đỡ người được giáo dục sử dụng một hoặc một số hình thức để thực hiện việc giám sát, quản lý, theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục:  Yêu cầu người được giáo dục phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền; Yêu cầu người được giáo dục báo cáo với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và tiến bộ của mình; Tổ chức việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; Tổ chức việc xác định tình trạng nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Bốn là, người được phân công giúp đỡ ghi sổ theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục để báo cáo tổ chức được giao giáo dục, quản lý.
Năm là, tổ chức được giao giáo dục, quản lý có trách nhiệm định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.
Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục
Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục là người chưa thành niên được thực hiện:
- Đối với người đang học tập tại nhà trường, cơ sở giáo dục, người được phân công giúp đỡ và nhà trường cùng có trách nhiệm phối hợp với gia đình người chưa thành niên động viên, giúp đỡ họ học tập, rèn luyện;
- Đối với người ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì cơ sở bảo trợ xã hội tạo điều kiện để họ tiếp tục tham gia các chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi; tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề tại cộng đồng.
Thứ hai, trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao giáo dục, quản lý báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 34.
Thứ ba, thành phần tham dự cuộc họp góp ý: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã; Trường Công an cấp xã; Người được phân công giúp đỡ và đại diện của cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý; Đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở; Người được giáo dục, gia đình của người được giáo dục.
Thứ tư, trình tự, nội dung của cuộc họp góp ý:
- Người được phân công giúp đỡ báo cáo về quá trình giáo dục, quản lý và các vi phạm của người được giáo dục trong thời gian quản lý và đề xuất bổ sung, thay đổi biện pháp giáo dục, quản lý, giúp đỡ phù hợp;
- Người được giáo dục trình bày nguyên nhân vi phạm cam kết và phương hướng khắc phục, đề xuất giúp đỡ nếu cần thiết;
- Trên cơ sở báo cáo của người được phân công giúp đỡ và trình bày của người được giáo dục, các thành viên tham gia cuộc họp phân tích, góp ý về những sai phạm của người được giáo dục, giúp đỡ người đó sửa chữa để tiến bộ;
- Thảo luận và đưa ra biện pháp giáo dục đối với đối tượng;
- Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, lưu hồ sơ và gửi cho người được giáo dục và gia đình của họ.
Thứ năm, hoãn cuộc họp góp ý và xử lý trong trường hợp không tổ chức cuộc họp góp ý:
- Hoãn cuộc họp góp ý trong trường hợp người được giáo dục không tham dự được mà có lý do chính đáng.
Cuộc họp góp ý được hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 03 ngày làm việc;
- Không tổ chức cuộc họp góp ý nếu đã hoãn cuộc họp 02 lần hoặc người được giáo dục cố tình trốn tránh.
Trong trường hợp này, người được phân công trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục xây dựng báo cáo về quá trình giáo dục, quản lý và các vi phạm của người được giáo dục, đề xuất hướng giải quyết hoặc điều chỉnh kế hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Việc điều chỉnh kế hoạch phải được thông báo đến người được giáo dục và gia đình của họ.
Thứ sáu, trường hợp người được giáo dục đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 41 Nghị định hoặc theo quy định pháp luật khác có liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ
Quyền của người được phân công giúp đỡ:  Gặp gỡ người được giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và những người có liên quan để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; Yêu cầu người được giáo dục thực hiện việc báo cáo theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 33 Nghị định; Đề xuất với tổ chức được giao giáo dục, quản lý, Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục, quản lý người được giáo dục; Đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục tham gia học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống; Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục; Nhận kinh phí hỗ trợ dành cho người được phân công giúp đỡ.
Nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác và gia đình của người được giáo dục trong việc giáo dục, quản lý đối tượng và giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội. Phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho người chưa thành niên được giáo dục tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lao động, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác; Giúp đỡ, động viên người được giáo dục; hỗ trợ, giới thiệu người được giáo dục tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định; Hướng dẫn thực hiện quyền, nghĩa vụ của người được giáo dục; Đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho họ tham gia học tập, tìm kiếm việc làm; Ghi sổ theo dõi và định kỳ hằng tháng báo cáo tổ chức được giao giáo dục, quản lý; Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Quyền của người được giáo dục: Được lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú; Được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương trong trường hợp là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; Được đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của mình đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được phân công giúp đỡ; Được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định; Khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các hành vi hành chính khác trong quá trình chấp hành quyết định.
Nghĩa vụ của người được giáo dục: Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú; Chịu sự giáo dục, quản lý của cơ quan và tổ chức xã hội và người được phân công giúp đỡ; người chưa thành niên được giáo dục còn nhận sự giáo dục, quản lý của gia đình và nhà trường; Thực hiện nghiêm nội dung đã cam kết; Có mặt khi người có thẩm quyền yêu cầu; Thông báo, báo cáo về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến lưu trú trong trường hợp được vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định.
Việc vắng mặt của người được giáo dục tại nơi cư trú và người được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội
Một là, người được giáo dục được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú.
Hai là, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng tổng số thời gian vắng mặt không được vượt quá 1/3 (một phần ba) thời hạn áp dụng biện pháp, trừ trường hợp người được giáo dục ốm, bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế.
Trường hợp không thực hiện đúng quy định nêu trên thì thời gian vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người đó.
Ba là, giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày:
- Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn xin phép đến cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục;
- Cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục xem xét, trả lời bằng văn bản về việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được giáo dục trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn;
- Trường hợp đồng ý thì phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú.
Trường hợp không đồng ý thì nêu rõ lý do bằng văn bản cho người gửi đơn xin phép biết.
Bốn là, giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú từ 15 ngày trở lên:
- Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn xin phép đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã qua cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục.
Đơn xin phép vắng mặt phải ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú;
- Cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục xem xét, có ý kiến về việc người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định bằng văn bản việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được giáo dục sau khi nhận được đơn xin phép và ý kiến của cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục.
Trường hợp không đồng ý thì nêu rõ lý do bằng văn bản cho người gửi đơn xin phép và cơ quan, tổ chức được giao quản lý người được giáo dục biết.
Năm là, giải quyết trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội:
- Trường hợp vắng mặt dưới 15 ngày thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38, nhưng đơn xin phép được gửi đến cơ sở bảo trợ xã hội xem xét, giải quyết;
- Trường hợp vắng mặt từ 15 ngày trở lên thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 38, nhưng đơn xin phép được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở xem xét, giải quyết qua cơ sở bảo trợ xã hội.
Việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục
Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú do đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác hoặc vì lý do khác thì giải quyết:
- Người được giáo dục hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giáo dục là người dưới 16 tuổi gửi đơn đề nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Đơn đề nghị phải ghi rõ lý do, nơi đến cư trú và phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý người được giáo dục;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục đến nơi cư trú mới trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Giải quyết trường hợp xác định được nơi cư trú của người được giáo dục không có nơi cư trú ổn định:
- Đối với người chưa thành niên được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở xem xét, quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục về nơi cư trú của họ;
- Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ra quyết định áp dụng biện pháp xem xét, quyết định chuyển việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người được giáo dục về nơi cư trú của họ.
Trường hợp người được giáo dục thay đổi nơi cư trú theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 39, thì hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của họ phải được chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến cư trú.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục đến cư trú có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục theo quy định tại Điều 29 Nghị định.
Khi thay đổi nơi cư trú, người được giáo dục phải thực hiện quy định của pháp luật về cư trú.
Chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, người được giáo dục đã chấp hành ít nhất 1/2 (một phần hai) thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và xử lý:
- Người từ đủ 12 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại các Điều 30, 31 và 33 Luật Phòng, chống ma túy thì thực hiện việc cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy, thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày người được giáo dục chấp hành xong biện pháp.
- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được lưu hồ sơ.
Bản sao hợp lệ của Giấy chứng nhận gửi cho tổ chức được giao giáo dục, quản lý và gia đình người được giáo dục.
Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ, gồm các tài liệu: Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quyết định phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục; Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục; Bản cam kết về việc chấp hành quyết định của người được giáo dục; Biên bản cuộc họp góp ý đối với người được giáo dục (nếu có); Sổ theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục và báo cáo kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ của người được phân công giúp đỡ; Các tài liệu về việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục (nếu có); Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có); Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có); Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có); Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có); Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục chuyển đến cư trú thực hiện quản lý hồ sơ về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn./.


 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây