Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tại địa phương

Thứ hai - 29/11/2021 06:05 13.742 0

Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tại địa phương

Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tại địa phương
Thi hành pháp luật là giai đoạn tiếp nối của công tác xây dựng pháp luật nhằm đưa pháp luật vào đời sống, đây cũng là đặc trưng cơ bản trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và là yếu tố quyết định hệ thống pháp luật vận hành thông suốt hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.
Trong những năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị) tiếp tục được triển khai với mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 141 luật, 12 pháp lệnh; 32 nghị quyết, Chính phủ ban hành 1070 nghị định (Theo số liệu được rà soát, thống kê từ 01/01/2011 đến 15/4/2019 – nguồn Bộ Tư pháp). Trong đó, đáng chú ý là, thể chế về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng; Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần sớm đưa các quy định trong các đạo luật vào thực tiễn đời sống.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để; các điều kiện thi hành pháp luật chưa được báo cáo; việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp. Những hạn chế, bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật ở một số nơi còn chưa nghiêm; các giải pháp trong xây dựng pháp luật chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả; hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật chưa thực sự gắn kết; đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật còn mỏng về số lượng, một bộ phận còn phải kiêm nhiệm, năng lực chưa tương xứng với yêu cầu công việc; nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
Để tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ – CP ngày 27/3/2012 về Theo dõi tình hình thi hành pháp luật và sau đó là Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc quản lý Nhà nước và xã hội; khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy Nhà nước ở cả trung ương và địa phương; từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đảm bảo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một kênh thông tin nhạy bén trong việc đánh giá, phản biện đối với các chính sách.
Nghị định của Chính phủ đã quy định về nội dung hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp trong triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Theo đó,  Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương; Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công; Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về Theo dõi thi hành pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các công tác này. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn, chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Chủ động kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Thực hiện nghiêm túc quy trình và phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm với Sở Tư pháp trong xây dựng, ban hành nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế và tạo điều kiện cho đội ngũ này thường xuyên tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ.
Phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”. Phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật...
Việc xác định những ngành, những lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật cũng là yêu cầu quan trọng nhằm nâng chất lượng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, để từ đó có những chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, cũng như kịp thời nêu gương, nhân rộng những mặt tích cực. Theo đó, trong hoạt động này đã và đang thực hiện mang tính bao quát, trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong đó tập trung vào mội số lĩnh vực trọng tâm như: thực thi pháp luật trong hoạt động hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật trên một số lĩnh vực, như: xử lý vi phạm hành chính, quản lý, sử dụng đất đai, rừng, phòng cháy, chữa cháy, bán đấu giá tài sản….
      Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới thiết nghĩ các cơ quan có liên quan cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Sở , ban, ngành, địa phương kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm tại địa phương, trong đó chú trọng lĩnh vực trọng tâm theo Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp; đẩy mạnh các hoạt động thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thực hiện công tác báo cáo theo định kỳ và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; cần tăng cường thực hiện nội dung quản lý nhà nước của UBND các cấp trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm thực thi công tác này của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng xử lý kết quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; chọn một số nhiệm vụ trọng tâm chuyên đề để triển khai thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao. 
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc theo dõi thi hành pháp luật; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai đồng bộ các hình thức theo dõi thi hành pháp luật, trong đó chú trọng việc theo dõi thi hành pháp luật bằng hình thức thành lập Đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương.
Thứ ba, có kế hoạch đào tạo, tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức đang thi hành công vụ và cán bộ công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đồng thời, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.
Thứ tư, tăng cường đầu tư các nguồn lực  cho việc tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là bổ sung nguồn lực cho ngành Tư pháp để thực hiện đồng bộ nhiệm vụ này.
Thứ năm, Nghiên cứu xây dựng Luật Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và mọi công dân trong việc thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoàn thiện về thể chế theo dõi thi hành pháp luật, tạo điều kiện xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương;
1. Số liệu được rà soát, thống kê từ 01/01/2011 – 15/4/2019, nguồn: Bộ Tư pháp
 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây