Pháp luật sở hữu trí tuệ và yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ

Thứ tư - 15/12/2021 06:23 2.231 0
Pháp luật sở hữu trí tuệ và yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ
Trong thời đại hiện nay tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, do đó nhận thức của các cơ quan quản lý, chỉ đạo các cấp chưa đầy đủ; ý thức chấp hành và hiểu biết của Nhân dân, kể cả các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích và tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan còn thấp. Từ đó dẫn đến việc thực thi các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra nhiều, có vụ việc nghiêm trọng. Đặc biệt, những năm gần đây, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như sao chép quyền tác giả, xâm phạm bản quyền mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu xuất hiện khá nhiều. Từ thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới. Một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là phải nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ
1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ
Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo, ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại của tài sản vô hình, không xác định được bởi đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Tài sản trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính…
 Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
2. Chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển tài sản trí tuệ
Xác định vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước, trong giai đoạn từ 2010-2020, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc tạo dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, cụ thể là các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, các Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;  Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày  22/8/2019 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đáng chú ý, Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt tại các Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 và số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng chính phủ. Gần đây nhất là Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Các nội dung chủ yếu, nổi bật của chương trình bao gồm: Tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.
Thực hiện Quyết định 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành các cấp triển khai có hiệu qủa hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ,  từ khâu xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đến khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh. Các hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành công cụ quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương tiến hành xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 25 sản phẩm, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 19 nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan và đang tiếp tục được đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc; chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... Tuy nhiên,  mức độ và hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế; hoạt động thương mại hóa các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. 
3. Hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ
Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của những người sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích.
Trải qua hơn 20 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, đã liên tục được hoàn thiện. Từ Bộ luật Dân sự năm 1995, với 36 điều quy định về quyền tác giả tại Chương I (phần thứ 6 và phần thứ 7); cho đến Bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn là những quy định chung điều chỉnh các quan hệ dân sự trong lĩnh vực quyền tác giả. Năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời với 222 điều quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện bảo hộ, nội dung quyền, giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền, chuyển giao quyền, chứng nhận đăng ký quyền, tổ chức đại diện, tư vấn, dịch vụ, các biện pháp tự bảo vệ quyền, xử lý xâm phạm quyền bằng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự…
Để hướng dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Ngày 19/6/2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội (khóa XII) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, với 33 điều sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập, thể chế hóa Nghị quyết số 71/2006/ NQ-QH11 của Quốc hội (khóa XI) về việc phê chuẩn Nghị định Thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam.
Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan được thay thế bằng Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.
Ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội (khóa XIV) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14). Luật này được Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời nội luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Luật sửa đổi lần này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: (1) Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (2) Sáng chế; (3) Nhãn hiệu; (4) Chỉ dẫn địa lý; (5) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, đã khắc phục những tồn tại bất cập, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam bình đẳng với công dân và pháp nhân của các quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động thực thi tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các chế tài về hành chính, dân sự và hình sự đã được ban hành, và đổi mới qua từng giai đoạn nhằm bảo đảm cho các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ được thi hành với bộ máy cưỡng chế của Nhà nước. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã nâng mức hình phạt đối với các hành vi thuộc tội phạm về quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng và hình phạt tù tới 3 năm. Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được thay thế bằng Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã cụ thể hóa các hành vi vi phạm và nâng mức phạt từ 250 – 500 triệu đồng, làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Các mức chế tài đủ mức giáo dục và răn đe cho cộng đồng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta trong việc thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, sau 16 thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã phát sinh một số bất cập. Trong đó, quy định về việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ trong các trường hợp giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khai thác sử dụng, làm nền tảng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi trên môi trường số chưa theo kịp được việc sử dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ của các hành vi xâm phạm quyền.
Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, quy định pháp luật liên quan đến điều kiện và mức độ bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ chưa bảo đảm sự  thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng như: phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế; thiếu một số căn cứ hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; chưa có quy định về trường hợp chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc để xuất khẩu; vấn đề trong giải quyết xung đột quyền giữa nhãn hiệu …
Các quy định về quyền tạm thời đối với giống cây trồng; hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng chưa bao quát hết các tình huống có thể xảy ra; quyền giữ giống của nông dân chưa có quy định thỏa đáng nhằm hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu và nông dân…
Ngoài ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA), các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)
Do vậy, Luật Sở hữu trí tuệ phải được sửa đổi, bổ sung để thực hiện một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ trong CPTPP như về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường, thẩm quyền chủ động tiến hành các thủ tục kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan; nghĩa vụ về bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm.
EVFTA cũng có một số quy định liên quan đến việc bỏ quy định văn bằng bảo hộ ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; làm rõ nguyên tắc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh; cơ chế đền bù cho việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành thị trường, v.v. cũng cần được bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:
1) Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ; bảo đảm phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ; nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ , góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
2) Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ với các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Trước hết phải đào tạo chuyên sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo chính quy, tại chức, các cuộc tập huấn chuyên môn, các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bản quyền, quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, qua thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thi thành pháp luật về sở hữu trí tuệ và có đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phù hợp thực tiễn.
Hai là, tuân thủ các điều ước quốc tế đã tham gia và các hiệp định song phương đã ký kết.
Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế quan trọng cũng như đã ký kết các điều ước quốc tế song phương về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản QTG nói riêng. Một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam đã tham gia là: Công ước Paris năm 1883 về sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid năm 1891 về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Hiệp định về hợp tác bằng sáng chế năm 1970, Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, tổ chức ghi âm và tổ chức phát sóng, Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1995 trong hệ thống các hiệp định của WTO, Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) bắt đầu có hiệu lực từ năm 1970 (Việt Nam trở thành thành viên của WIPO từ ngày 02/7/1976)…
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đi đôi với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức những hiểu biết về các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong khuôn khổ pháp luật về sở hữu trí tuệ, công tác tuyên truyền phải nhằm vào ba đối tượng chủ yếu đó là tác giả, chủ sở hữu phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm và người sử dụng tác phẩm, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, làm cho các đối tượng hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp và các biện pháp chế tài đối với vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hình thức tuyên truyền phổ biến cần được đổi mới, chú trọng hình thức tuyên truyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử nội bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp./.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây