Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã tập trung hướng dẫn chi tiết các quy định tại khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 5 của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, bao gồm nội dung, điểm số và cách tính điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; quy trình, biểu mẫu, tài liệu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Có thể nhận thấy so với Thông tư 07 trước đây, Thông tư 09 đã có nhiều hướng dẫn chi tiết mang tính định lượng cao hơn, nội dung đã được rút gọn tập trung vào các tiêu chí có tính khả thi và thiết thực hơn, các tiêu chí đều có hướng dẫn về tài liệu kiểm chứng, các biểu mẫu đánh giá được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, quy định cụ thể số lượng của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của Thông tư 09 sau gần 7 tháng triển khai, đã có khá nhiều ý kiến từ cơ sở phản ánh cho thấy Thông tư này vẫn còn những điểm cần tiếp tục được Bộ Tư pháp nghiên cứu xem xét hướng dẫn cụ thể hơn, đơn cử như Chỉ tiêu 3 (Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở) thuộc Tiêu chí 2 (Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật).
Các ý kiến phản ánh từ cơ sở cho rằng Chỉ tiêu này hiện nay chưa có tính định lượng do vậy việc đánh giá chỉ có thể dựa vào yếu tố định tính chủ quan của người đánh giá bởi hình thức và mô hình hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả là hình thức và mô hình như thế nào thì Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể các chỉ tiêu để đánh giá.
Theo từ điển tiếng Việt thì danh từ “Hiệu quả” có nghĩa là “Kết quả đích thực, kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi và hướng tới; nó có nội dung khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Trong sản xuất, có nghĩa là hiệu suất, là năng suất. Trong kinh doanh là lãi suất, lợi nhuận. Trong lao động nói chung là năng suất lao động, được đánh giá bằng số lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, hoặc là bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian”.
Tiếp cận từ góc độ này, thiết nghĩ để xác định hiệu quả của hình thức và mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải lượng hóa được một số yếu tố sau:
Thứ nhất, hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả phải được xác định bởi số lượng người được thu hút tham gia một cách hoàn toàn tự nguyện, họ tham gia vì được kích thích bởi hình thức phổ biến, giáo dục hấp dẫn, tạo được sự chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân, mô hình phổ biến, giáo dục phù hợp với điều kiện, trình độ, khả năng tham gia của từng tầng lớp nhân dân và cũng thu hút một cách tự nguyện đông đảo người tham gia.
Hội nghị tập huấn Luật Phòng, chống ma túy tại thành phố Phổ Yên trong tháng 6/2022
Thứ hai, hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả phải được xác định bởi số lượng người được tiếp cận thông tin pháp luật từ hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật này tự giác chấp hành pháp luật hơn các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
Thứ ba, hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả phải là hình thức, mô hình chi phí thấp, dễ triển khai, có khả năng giúp mọi đối tượng tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng nhất và ghi nhớ nhanh nhất, lâu nhất so với hình thức và mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
Từ cách tiếp cận như trên tác giải bài viết này mạnh dạn đề xuất Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn cụ thể cho Chỉ tiêu “Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở”với các mức định lượng rõ ràng để giúp cơ sở có thể triển khai đánh giá chính xác nhất, khách quan nhất đối với chỉ tiêu này./.