Tịch thu phương tiện là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ năm - 29/12/2022 22:20 839 0
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là một trong các hình thực xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp khi áp dụng gặp nhiều vấn đề liên quan mà người có thẩm quyền và các cơ quan tham mưu cần phải giải quyết khi ra quyết định.
Trên thực tế giải quyết các vụ việc vi phạm hành chính, đôi khi người vợ hoặc chồng khi nhận được quyết định tịch thu phương tiện của người có thẩm quyền không đồng ý với quyết định đó. Nhiều trường hợp sẽ khiếu nại kéo dài dẫn đến việc các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục thụ lý giải quyết đơn thư sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng được quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Trên thực tế khi xử lý các vụ việc vi phạm hành chính, trong đó hành vi vi phạm thuộc các trường hợp phải tịch thu phương tiện. Trong khi, phương tiện do một trong hai người, vợ hoặc chồng trực tiếp điều khiển, thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Căn cứ quy định của pháp luật, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Phương tiện đó là tài sản chung của vợ chồng, hình thành trong thời kỳ hôn nhân; người vợ hoặc chồng không biết việc người kia sử dụng phương tiện vào việc vi phạm hành chính nên không có lỗi trong việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính; việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ hoặc chồng.
Khoản 2 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này”.
Theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
 “1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.
Ngoài ra, Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định:
 “1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.
Từ các căn cứ nêu trên có thể nhận thấy, đối với phương tiện là tài sản chung của vợ và chồng, cả hai cùng thống nhất sử dụng để kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc người vợ hoặc chồng trực tiếp sử dụng phương tiện ( ô tô, xe máy) thực hiện giao dịch vận chuyển hàng hóa để kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là có sự đồng ý của người kia.
Do vậy, người vợ hoặc chồng (không điều khiển phương tiện) cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ liên đới khi cơ quan, người có thẩm quyền xử lý phương tiện vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt không thực hiện việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có thể bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật XLVPHC và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 

Tác giả bài viết: Lê Công Huấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây