Quy định về người làm chứng trong hoạt động công chứng

Chủ nhật - 17/12/2023 21:39 5.048 0
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014)
Theo khoản 2, Điều 47 Luật Công chứng năm 2014: Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
Theo khoản 2 Điều 22 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì người phiên dịch và người làm chứng trong chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau: Người làm chứng theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP do người yêu cầu chứng thực bố trí. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không bố trí được thì đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định người làm chứng. Người làm chứng phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn giá trị sử dụng để người thực hiện chứng thực kiểm tra; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Ngoài ra thì Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.
Từ những quy định trên, có thể thấy người làm chứng trong hoạt động công chứng: Được pháp luật ghi nhận; có thể xuất hiện trong hai trường hợp: thứ nhất, căn cứ theo loại hình giao dịch được xác lập mà theo quy định của pháp luật phải có người làm chứng; thứ hai, dựa trên tình trạng thể chất của cá nhân người yêu cầu công chứng, cho dù cá nhân này giao kết bất kỳ loại giao dịch nào; đóng vai trò là người làm chứng một cách chủ động, khác biệt hoàn toàn với vai trò của người làm chứng trong pháp luật tố tụng; chỉ dừng lại ở mức độ trợ giúp cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ nội dung văn bản công chứng, quyền và nghĩa vụ của bản thân hay khi người yêu cầu công chứng gặp trở ngại trong việc biểu đạt ý chí.

Tác giả bài viết: Thu Trà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây