Thẩm quyền xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính – Khó khăn, vướng mắc

Thứ năm - 07/12/2023 02:40 1.211 0
Biên bản vi phạm hành chính là loại văn bản hành chính có giá trị pháp lý quan trọng, là cơ sở xác định có hành vi vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả cũng như áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc tiến hành xác minh tình tiết của vụ vi phạm để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: (1) Có hay không có vi phạm hành chính; (2) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; (3) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; (4) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; (5) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này; (6) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.
Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được lập thành biên bản xác minh (Mẫu số MBB05 - Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Và tại mục chú thích số (4) Mẫu số MBB05 - Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn người có thẩm quyền lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính: “Ghi họ và tên của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc hoặc họ và tên của người đại diện được người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ủy quyền.”.
Từ quy định trên nhận thấy, để đảm bảo việc xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính đúng thẩm quyền, làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính và phải ký vào biên bản xác minh tình tiết vụ việc. Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức thực hiện xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì phải ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, người được ủy quyền ký vào biên bản xác minh với tư cách là người lập biên bản. Tuy nhiên, việc ủy quyền này chưa có quy định cụ thể như: ủy quyền cho ai? Tổ chức nào? Mẫu văn bản ủy quyền? .... (Ví dụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được ủy quyền Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện? ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh?)
Vì vậy, để áp dụng thống nhất cần sửa đổi, bổ sung các quy định trên theo hướng: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, vì: Theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính (trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật). Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.
 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây