THÚC ĐẨY NHU CẦU TÌM HIỂU PHÁP LUẬT-PHẢI CHĂNG LÀ NỀN TẢNG CHO NGƯỜI DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN PHÁP LUẬT TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY?

Thứ tư - 09/10/2024 21:16 1.615 0
Trong nhiều năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta đã triển khai rất nhiều giải pháp cả vi mô và vĩ mô nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân với mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với pháp luật để được bảo đảm các quyền và thực hiện tốt các nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, một thực tế không mong đợi là vẫn còn nhiều thông tin pháp luật chưa đến được với người dân.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành quy định cụ thể 8 nhóm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đó là: (1) Họp báo, thông cáo báo chí; (2) Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; (3) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; (4) Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; (5) Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; (6) Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; (7) Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; (8) Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.
Qua báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương từ năm 2010 đến nay và nghiên cứu hệ thống thông tin có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các nguồn chính thống cũng như xã hội cho thấy, tất các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai với nhiều phương pháp sáng tạo phù hợp với thực tiễn và được Nhân dân đón nhận.
Vậy tại sao vẫn còn tình trạng “nhiều thông tin pháp luật chưa đến được với người dân”…?
Có rất nhiều nguyên nhân, từ những nguyên nhân trong phương pháp quản lý Nhà nước đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đến các hoạt động thực tiễn trong triển khai công tác phổ biến pháp luật, các nguyên nhân này tác giả không đề cập trong khuôn khổ bài viết này mà chỉ tiếp cận đến vấn đề này từ một khía cạnh đó là “Nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của người dân”.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “ Nhu cầu” được hiểu là “Điều đòi hỏi của đời sống, tự nhiên và xã hội” như các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, nghe, nhìn…của mỗi con người và nó thuộc về quyền con người - các quyền tự nhiên vốn có của con người từ khi sinh ra, tiếp cận thông tin đương nhiên cũng không nằm ngoài các nhu cầu đó của con người, và như vậy theo quy luật tự nhiên thì nhu cầu chỉ xuất hiện khi một chủ thể cần một điều gì đó…? Còn mặc nhiên khi không có nhu cầu thì đương nhiên con người sẽ không tiếp cận với vấn đề đó và như vậy họ sẽ không tiếp thu, nghi nhớ lại và càng không bao giờ tự nguyện làm theo, có chăng chỉ làm theo một cách miễn cưỡng hoặc vì bắt buộc, như vậy “chuẩn” của yêu cầu buộc họ làm theo rất hạn chế về hiệu quả, đơn cử khi không có nhu cầu “ăn” đương nhiên người ta sẽ không ăn trừ khi bị bắt buộc, khi không có nhu cầu nghe, người ta sẽ không nghe trừ khi bị bắt buộc và khi bị bắt buộc thì chất lượng hấp thụ dinh dưỡng khi ăn đương nhiên hạn chế, khi bị bắt buộc nghe người ta chỉ ở đó nghe miễn cưỡng, không nghi nhớ thậm chí tư duy về vấn đề khác cần thiết hơn, bởi đó mới là nhu cầu của họ, chính vì vậy có những trường hợp dự buổi tuyên truyền pháp luật xong họ cũng không biết diễn giả đã nói những gì…
Thực tế nghiên cứu về tâm lý tuyên truyền cũng cho thấy như vậy, người muốn nghe trước tiên phải là người có nhu cầu tiếp cận thông tin về vấn đề nào đó, còn nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật đa số chỉ xuất hiện khi đối tượng có các nhóm nhu cầu sau:
- Giải quyết các công việc thuộc quyền và nghĩa vụ của bản thân như: tham gia các hoạt động tố tung hình sự, dân sự, hành chính, lao động; khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp; giải quyết các thủ tục hành chính; tham gia và thực hiện các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội, thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước, tổ chức và xã hội…
- Thực hiện trách nhiệm công vụ.
Trong các trường hợp này bất kỳ ai cũng khao khát có được thông tin pháp luật để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đây chính là “kênh” truyền tải thông tin tự nguyện không bắt buộc và các chủ thể có nhu cầu sẵn sàng tự nguyện chấp nhận mọi chi phí để có được thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh nhóm chủ thể này thì cũng còn một số lượng không nhỏ các chủ thể không xuất hiện nhu cầu tiếp cận thông tin và có thể nhận thấy ở hai dạng đó là:
- Nhóm chủ thể không có nhu cầu vì thông tin chủ thể cung cấp không trực tiếp phục vụ cho nhu cầu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ, ví dụ người dân không hoạt động kinh doanh nên không có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về kinh doanh, người dân sống tại vùng biến không có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về rừng…
- Nhóm chủ thể có nhu cầu khác cấp thiết hơn nhu cầu mà chủ thể cung cấp thông tin muốn cung cấp cho họ, đây là nhóm chủ thể chủ yếu gây khó khăn cho việc cung cấp thông tin pháp luật đến người dân, thực tế thì khi người dân chưa có cái ăn, cái mặc thì đương nhiên nhu cầu đầu tiên của họ là cái ăn, cái mặc( mặc dù theo đúng nguyên tắc thì muốn có cái ăn, cái mặc hay nói chính xác là muốn duy trì sự sống thì phải biết được các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật để mà tiếp cận với các điều kiện của cuộc sống).
Nói tóm lại vấn đề cốt lõi của việc để người dân có được nhiều nhất thông tin pháp luật thì không phải chỉ ở việc có nhiều nội dung và hình thức thông tin pháp luật được đưa ra mà vấn đề cần thiết nhất đó là người dân chủ động, mong muốn tiếp cận thông tin pháp luật và phải hiểu được để làm theo pháp luật(tuân thủ, áp dung, thi hành) và như vậy thì vấn đề thúc đẩy nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của người dân là vấn đề cần nghiên cứu và tập huấn, bồi dưỡng cho mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Có một số phương pháp thúc đẩy nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật có thể áp dụng đó là:
- Tuyên truyền sâu rộng quyền tiếp cận thông tin của công dân để người dân biết được người dân có quyền tiếp cận thông tin gì, thông tin nào muốn tiếp cận được thì cần phải có điều kiện, thông tin nào không được tiếp cận và tại sao lại như vậy?
- Tìm hiểu nhu cầu của các chủ thể để cung cấp thông tin đúng nhu cầu của họ.
- Đồng bộ hóa giữa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, thi hành pháp luật.
Đặc biệt khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền dưới mọi hình thức pháp luật cho phép thì chủ thể thực hiện cần phải giải thích rõ cho chủ thể cần được phổ biến, giáo dục pháp luật hiểu rõ họ tiếp cận các thông tin pháp luật đó để làm gì, được gì và phải làm gì và làm như thế nào? Có như vậy mới làm cho các chủ thể trong xã hội xuất hiện nhu cầu muốn tiếp cận thông tin hay nói cách khác là chủ động tiếp cận thông tin./.

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây