Một số vấn đề liên quan đến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Thứ tư - 19/02/2025 02:17 29 0
(Tiếp theo) Bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa, quy phạm hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật: (i) tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; (ii) bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; (iii) đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; (iv) đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; (v) đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; (vi) quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; (vii) hướng dẫn áp dụng VBQPPL.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với nhiều nội dung cơ bản, đổi mới.
Bài 3. Một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
1. Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy
Thứ nhất, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL
Theo Luật hiện hành, hệ thống VBQPPL hiện nay bao gồm 41 hình thức, do 36 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Với chủ trương tiếp tục “đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình VBQPPL”, trong đó xác định lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể theo Hiến pháp năm 2013 và căn cứ vào định nghĩa mới về VBQPPL quy định tại Điều 2, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định tổng số 36 hình thức VBQPPL (giảm 05 hình thức) và do 30 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 06 chủ thể).
Thứ hai, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL
Với mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng VBQPPL, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 5) trên cơ sở kế thừa, có sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 5 của Luật hiện hành, theo đó, bổ sung một số nguyên tắc quan trọng: (i) Bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; (ii) xây dựng, ban hành VBQPPL phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, phân định rõ thẩm quyền ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền ban hành VBQPPL dưới luật
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW và tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Luật đã phân định rõ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền ban hành VBQPPL dưới luật.
Đặc biệt, hoàn thiện quy định về nội dung VBQPPL của Quốc hội theo hướng quy định Quốc hội ban hành luật để quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội nhằm “luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”. Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết trong 03 trường hợp (thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành; tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vấn đề khác do Quốc hội quyết định), còn tất cả các vấn đề còn lại đều ban hành luật để điều chỉnh.

2. Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ
Trước đây, đã có hình thức nghị quyết của chính Phủ (Luật năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2002). Luật năm 2008 đã bỏ hình thức nghị quyết và chỉ giữ lại hình thức nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ trong gian qua cho thấy rất cần hình thức này và việc bổ sung là hợp lý.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, khoản 5 Điều 4 và khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để: (i) giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; (ii) tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (iii) thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.

3. Đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội
Về xây dựng và thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ, cơ quan, tổ chức xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 01 tháng 10 của năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới, để trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Về xây dựng, triển khai thực hiện chương trình lập pháp hằng năm, thẩm quyền quyết định Chương trình là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; gồm 03 bước: (i) Đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (ii) Rà soát, đề xuất ý kiến về dự kiến Chương trình; (iii) Xem xét, thông qua Chương trình. Thời điểm gửi đề xuất và thời điểm thông qua Chương trình lập pháp hằng năm: chậm nhất ngày 01 tháng 8 của năm trước, đề xuất phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lập dự kiến Chương trình lập pháp của năm tiếp theo.
Để bảo đảm tính linh hoạt, thông thoáng của Chương trình lập pháp, khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định, trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, cơ quan trình trình dự án luật, nghị quyết để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và quyết định bổ sung vào Chương trình lập pháp hằng năm, trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp hoặc tại kỳ họp gần nhất.

4. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL
Nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng: (i) vừa bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nâng cao “năng suất”, vừa chú trọng bảo đảm “chất lượng” VBQPPL; (ii) bảo đảm đánh giá tác động thực chất; (iii) bảo đảm cơ chế tiếp thu, giải trình, ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và quy định pháp luật.
Nội dung đổi mới trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tập trung vào 02 vấn đề lớn, trọng tâm: (i) đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (ii) hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt.

5. Quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của Đảng về việc đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật([1]), cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Để bảo đảm chất lượng của dự án luật, dự thảo Luật quy định về việc lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại trong 02 trường hợp: (i) trường hợp cơ quan trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất; (ii) trường hợp dự thảo chưa được thông qua.

6. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Quy định rõ về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong xây dựng VBQPPL và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
7. Hướng dẫn áp dụng VBQPPL
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Thông báo số 108-TB/VPTW về việc “mở rộng thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản dưới luật theo hướng ban hành nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của VBQPPL thay vì thường xuyên phải sửa đổi, điều chỉnh”, bên cạnh các quy định về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật bổ sung quy định về hướng dẫn áp dụng VBQPPL với các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, hướng dẫn áp dụng VBQPPL được thực hiện đối với văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản do mình ban hành bằng văn bản hành chính, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp cần thiết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn áp dụng.
Thứ ba, việc hướng dẫn áp dụng VBQPPL được thực hiện theo các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí tương tự như giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết trong 02 trường hợp (khi có cách hiểu khác nhau về quy định của văn bản; chưa thống nhất việc áp dụng các văn bản) và 04 thứ tự nguyên tắc, tiêu chí (phù hợp với nghĩa phổ thông của từ ngữ sử dụng trong VBQPPL; căn cứ nội dung liên quan đến quy định cần giải thích, hướng dẫn áp dụng trong quá trình xây dựng VBQPPL; phù hợp với quan điểm chỉ đạo, mục đích, tinh thần ban hành VBQPPL; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật). Việc hướng dẫn áp dụng VBQPPL không được đặt ra quy định mới.

8. Các vấn đề khác
Ngoài 07 vấn đề lớn như trên, dự thảo Luật còn quy định về một số vấn đề về hiệu lực của VBQPPL; bổ sung quy định về tổ chức thi hành VBQPPL và nguồn lực thi hành; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp trong một số trường hợp cần thiết.
Dự kiến, dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua trong ngày 19/02/2025./.
 

([1])  Theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây