Đề án 916 và những thách thức đối với ngành Tư pháp trong phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật

Thứ sáu - 04/10/2024 03:19 65 0
Ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030. Theo đó, Đề án nêu rõ 03 quan điểm:
Một là,  phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật là khâu then chốt trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật phải gắn với việc thực hiện các chính sách về công tác cán bộ, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Xây dựng pháp luật là một công việc phức tạp, là nhiệm vụ nặng nề, có tính trọng tâm của cả hệ thống chính trị; nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta xác định xây dựng thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước" do Tạp chí Tổ chức nhà nước chủ trì năm 2020, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đánh giá: Nguồn bổ sung nhân lực chất lượng cao cho một số vị trí việc làm của các cơ quan trong ngành Tư pháp khá khan hiếm, trong khi điều kiện, khả năng thu hút của ngành còn nhiều hạn chế; đội ngũ nhân lực ngành Tư pháp còn mỏng về số lượng so với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dẫn đến tình trạng quá tải về công việc, đặc biệt là ở các cơ quan tư pháp địa phương; chất lượng nhân lực ngành Tư pháp mặc dù đã có bước phát triển cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; trình độ chuyên môn không đồng đều, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã còn yếu; đội ngũ nhân lực ngành Tư pháp chưa mang tính ổn định, cơ cấu nhân lực chưa thực sự hợp lý phần nào ảnh hưởng đến quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành.
Đó là những đánh giá cách đây hơn 3 năm và ngành Tư pháp đã từng bước nỗ lực cải thiện tình hình nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hiện nay thì việc củng cố nguồn nhân lực cho ngành Tư pháp, tạo dư địa đóng góp then chốt về nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật vẫn là những thách thứ rất lớn với ngành.
Trở lại Đề án 916, để xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước thì cần phải đạt được 05 mục tiêu cụ thể sau:.
Thứ nhất, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành và địa phương đối với công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; về thu hút, trọng dụng người có tài năng, tạo cơ sở để thu hút người có tài năng làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Thứ ba, đến năm 2027, bảo đảm ít nhất 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, đến năm 2027, đạt 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thứ năm, đến năm 2027, trên cơ sở biên chế được giao, các bộ, ngành, địa phương xây dựng đội ngũ khoảng 200 công chức (tương ứng với 03 công chức/bộ, ngành và 02 công chức/địa phương) và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 300 công chức (tương ứng với 05 công chức/bộ, ngành và 03 công chức/địa phương) có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
Hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng, nhiều vấn đề pháp lý phức tạp đã, đang và sẽ đặt ra cần được giải quyết, với vai trò là người “gác cổng”, người tư vấn về mặt pháp lý cho Chính phủ và UBND các cấp, đòi hỏi nhân lực ngành Tư pháp phải có trình độ nhất định về pháp luật quốc tế, ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đây là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương. Do đó, để nắm bắt những cơ hội, vượt qua thách thức, Đề án 916 đã thiết lập 07 nhiệm vụ và giải pháp triển khai đồng bộ từ nhận thức, tư duy đến hành động.
Tại tỉnh Thái Nguyên, công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được Sở Tư pháp quan tâm bằng việc triển khai các hoạt động đào tạo bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, công tác quy hoạch cán bộ và việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Với đội ngũ được đánh giá còn hạn chế gồm 85 công chức, viên chức và người lao động tại Sở Tư pháp (trong đó chỉ có 24 biên chế quản lý nhà nước, phần lớn còn lại là biên chế sự nghiệp), 29 công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và 242 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên sẽ cần có những khởi động mới để triển khai Đề án 916 không chỉ trong phạm vi nội bộ ngành mà còn cần có những tham mưu trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật trong tổng thể hệ thống 3 cấp chính quyền tại địa phương, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây