Tỉnh Thái Nguyên: Bài toán về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 -2030

Thứ sáu - 14/02/2025 03:05 40 0
Ngày 11/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-TTg về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 - 2030. Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư nước ngoài, phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thực tiễn đánh giá rằng, đào tạo nhân lực chất lượng cao luôn là nhiệm vụ khó, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn là sự đầu tư về thể chế, chính sách để có đội ngũ giảng viên, chuyên gia cấp cao sẵn sàng bắt tay thực hiện đào tạo, giúp Chính phủ, các bộ ngành và địa phương hình thành đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên sâu trong các lĩnh vực. Giải quyết tranh chấp quốc tế là một “mặt trận” nhiều cam go, nhất là trong bối cảnh thế giới hình thành các mối quan hệ song phương, đa phương trong hợp tác và không tránh khỏi các xung đột về chính trị, kinh tế, pháp lý.
Triển khai mục tiêu trên của Quyết định số 1364/QĐ-TTg, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 07/02/2025. Theo đó xác định rõ 03 mục tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho UBND tỉnh khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 – 2030 như sau:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sá
ch, pháp luật của Nhà nước về đầu tư nước ngoài, phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho UBND tỉnh khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt là Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế và Quyết định số 1364/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật quốc tế, pháp luật đầu tư quốc tế, phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ chuyên gia có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Theo đánh giá những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển mới. Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại và quốc phòng; xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông, Biển Đỏ, căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan làm gia tăng bất ổn khu vực ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá xăng dầu, hàng hoá cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp. Lạm phát có xu hướng giảm tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn bên cạnh đó nhiều nền kinh tế lớn vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất giữ ở mức cao, hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng,… tác động đến xuất khẩu của nhiều quốc gia. Các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,… tiếp tục được nhiều quốc gia lựa chọn, đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các quốc gia trong việc thực hiện chính sách phát triển.
Vậy để giải bài toán đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho UBND tỉnh khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 – 2030 cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả thực sự? Theo Kế hoạch số 28/KH-UBND, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh và các cơ quan khác có liên quan cũng như UBND cấp huyện cần các định rõ các nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, khả thi song song với việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, có lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, kết quả đầu ra cụ thể làm căn cứ đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Dưới góc độ nghiên cứu về mục tiêu, yêu cầu của Quyết định số 1364/QĐ-TTg, để có thể sớm hình thành được đội ngũ chuyên gia pháp lý nói chung và chuyên gia tư vấn cho UBND tỉnh trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế hiện nay tại tỉnh Thái Nguyên xin đề cập vấn đề dưới các góc độ sau:
1. Cần rà soát, định hình các tranh chấp đầu tư quốc tế phổ biến của tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây và xu hướng, nguy cơ tranh chấp đầu tư quốc tế trong giai đoạn 2025-2030.
Đây được coi là công việc cần thiết trước hết để có cơ sở, lộ trình, chủ trương, định hướng trong đào tạo đội ngũ chuyên gia.
Theo khoản 1 Điều 2 Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thì “Tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo một trong các trường hợp sau: (1) Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hoặc hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên (sau đây gọi chung là hiệp định đầu tư), trong đó có quy định về việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế; (2) Hợp đồng, thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quy định cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận này là trọng tài quốc tế”.  Các chuyên gia cho rằng, tranh chấp đầu tư quốc tế là xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là một vấn đề phức tạp đối với các quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các xung đột về quyền lợi dẫn đến tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước là điều khó tránh khỏi. Trên bức tranh tổng thể về tranh chấp đầu tư quốc tế trong cả nước, tỉnh Thái Nguyên cũng cần có những khảo sát, đánh giá để nhận diện các mức độ, hình thái, nguy cơ tranh chấp đã, đang và sẽ diễn ra tại địa phương để có phương án đào tạo kịp thời, hiệu quả, trúng và đúng.
2. Đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực để tạo nguồn chuyên gia pháp lý tư vấn cho UBND tỉnh khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Giải quyết tranh chấp hiện nay đang là thực tế không tránh khỏi, gây tốn kém tài lực, nhân lực đối với cả hai bên tranh chấp nên trong chủ trương chung, việc phòng ngừa và loại trừ nguy cơ xảy ra tranh chấp có tầm quan trọng rất lớn. Do đó, rà soát, đánh giá đội ngũ công chức, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này cần đánh giá ngay đối với đội ngũ đang thực thi các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư nước ngoài và thi hành pháp luật chung, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, thuế, xây dựng… . Theo đó, trước hết cần xác định rõ nguồn nhân lực và khả năng tham mưu thiết lập các quan hệ kinh tế, dân sự có yếu tố nước ngoài cũng như việc giải quyết những kiến nghị ban đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi có các khúc mắc, vướng mắc, bất cập phát sinh trước khi diễn biến thành tranh chấp. Có như vậy mới đánh giá được thực chất và nhu cầu cụ thể để tổ chức đào tạo có trọng tâm, hiệu quả, chất lượng.
Với chủ trương tinh gọn bộ máy như hiện nay, song song với việc đánh giá tổng thể trong toàn tỉnh thì việc đánh giá nguồn nhân lực gắn với nhu cầu đào tạo chuyên gia tư vấn pháp lý để giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế cũng có những thuận lợi cơ bản để đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, với mục tiêu như đã phân tích thì cần đặc biệt coi trọng việc đào tạo kiến thức pháp lý và năng lực ngoại ngũ của đội ngũ chuyên gia của địa phương.
3. Định hướng phương án, nội dung, mục tiêu đào tạo
Khi đã nhận diện được tình hình và xu hướng của các tranh chấp, nắm bắt được thực trạng đội ngũ hiện có thì phần việc quan trọng nhất đó là định hướng phương án, nội dung và mục tiêu đào tạo chuyên gia cho địa phương.
Trước hết, về phương án cần đảm bảo đội ngũ giảng viên thực hiện công tác đào tạo. Bên cạnh việc tham gia các lớp đào tạo do Chính phủ, các bộ ngành trung ương tổ chức thì cũng cần có những lớp đào tạo riêng cho địa phương, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn địa phương khi có những tranh chấp trong đầu tư quốc tế. Do đó việc phối hợp, liên kết để có “chuyên gia đào tạo chuyên gia” là công việc quan trọng. Tiếp đó cần xác định nội dung, khung chương trình đào tạo đáp ứng được mục tiêu đào tạo. Cùng với các khung đào tạo chung thì việc xây dựng, biên soạn các chương trình đạo tạo riêng của tỉnh là hết sức cần thiết.
Trên thực tiễn khi có bất cứ một tranh chấp nào phát sinh, dưới góc độ địa phương thì chính quyền các cấp cần chủ động tham gia ở tất cả các khâu của quá trình giải quyết tranh chấp, từ nghiên cứu hồ sơ đến đàm phán, thương lượng, cung cấp chứng cứ, tham gia tranh tụng và thi hành án. Quá trình nghiên cứu phải có cơ chế huy động trí tuệ của các luật gia, luật sư, các chuyên gia cao cấp trong bối cảnh quan hệ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng các vụ tranh chấp luôn có xu hướng tăng cao với tính chất, mức độ phức tạp hơn. Kết quả giải quyết pháp lý của mỗi một cuộc tranh chấp đều có thể được coi là tài liệu, kinh nghiệm trong phòng ngừa tranh chấp mới phát sinh dẫn đến mục tiêu hạn chế thấp nhất các tranh chấp và giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng, hòa giải.
Giải được bài toán về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho UBND tỉnh khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 – 2030 không chỉ giúp cho tỉnh Thái Nguyên mở rộng hợp tác trong đầu tư, phát triển kinh tế mà thực sự sẽ góp phần gây dựng được nguồn nhân lực hành chính nhà nước có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây