Một số cơ chế, chính sách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thứ tư - 12/01/2022 04:48 381 0
Ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Nghị quyết này quy định về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm: điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19; Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19; Bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; Chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tại Việt Nam.
Về việc điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19, thì Nghị quyết quy định trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền được phép điều động, huy động người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài) được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 khác với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề; Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mà không cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người thuộc đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19.
Về kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì Nghị quyết quy định: việc chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập (bao gồm cả tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp) được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó ngân sách nhà nước được thực hiện theo phân cấp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do trung ương thành lập, không bao gồm phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách trung ương hỗ trợ.
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phi mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ. Còn đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 được thực hiện theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19. Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.
Song song đó, cần phải bình ổn giá trang thiết bị y tế bằng cách bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Đồng thời, người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại. Đối với người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2021.
 

Tác giả bài viết: Ma Thị Huyền Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay22,785
  • Tháng hiện tại482,615
  • Tổng lượt truy cập10,614,759
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây