Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luậthttps://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Chủ nhật - 27/04/2025 23:28200
15062414 PL 24 04 05 (1)
Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng trong tình hình mới, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Phát triển nguồn nhân lực DTTS phải được thực hiện một cách đồng bộ từ các chính sách chung trong điều hành kinh tế vĩ mô đến chính sách khuyến khích, động viên người DTTS tự lực vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm chủ địa bàn và vươn mình qua giới hạn bản làng. Trong chủ trương chung đó, lĩnh vực đào tạo luật cũng cần có những định hướng, giải pháp để luật pháp có thể đến với đồng bào bằng những cánh tay nối dài của chính sách và bằng chính các hoạt động nghiệp vụ, năng lực công tác của người dân bản địa là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS được đào tạo chuyên ngành luật. Từ đó xác định trọng tâm của chính sách thu hút, sử dụng sinh viên, học viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo luật về công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo nguồn báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Tại tỉnh Thái Nguyên, cách đây hơn 10 năm đã có Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 15/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việctăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Gần đây có Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật và Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 21/6/2024 của UBND tỉnh triển khai Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 1. Thực trạng về đào tạo nhân lực DTTS và xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (06 huyện, 03 thành phố; trong đó có 04 huyện miền núi, 01 huyện vùng cao). Tổng diện tích tự nhiên trên 3.526 km2, dân số 1.286.751 người gồm có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có 50 dân tộc thiểu số với dân số là 384.379 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tính đến thời điểm tháng 3/2025 tỉnh Thái Nguyên có 110 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và MN được phân định theo trình độ phát triển gồm: 103 xã khu vực I, 07 xã khu vực III, không còn xã khu vực II. Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Thái Nguyên có 142 thôn đặc biệt khó khăn. 1.1. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực DTTS tỉnh Thái Nguyên Theo Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên[1], tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tính đến hết tháng12/2024 là 8.636, chiếm tỉ lệ 28,75% so với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, tăng 2,75% so với tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giai đoạn 01/01/2020 (thời điểm 01/01/2020, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 26%). Cơ cấu, tỷ lệ % theo từng thành phần dân tộc thiểu số tính đến hết tháng 6/2024: Dân tộc Tày 58,43%, dân tộc Nùng 23,16%, dân tộc Dao 3,87%, dân tộc Mông 0,11%, dân tộc Cao lan 1,52%, dân tộc Sán dìu 7,66%, dân tộc Mường 0,61%, dân tộc Sán Chí 0,87%, dân tộc Hoa 0,14%, dân tộc Thái 0,25%, dân tộc Sán Chay 1,75%, dân tộc Ngái 0,15%, dân tộc Bru-Vân Kiều 0,01%, dân tộc Giáy 0,11%, dân tộc Tà ôi 0,01%, dân tộc Sán Chỉ 0,04%, dân tộc Cống 0,01%, dân tộc Thổ 0,02%, dân tộc Hrê 0,01%, dân tộc Chăm 0,01%. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được bầu cử, bổ nhiệm, phê chuẩn: 1.733 người, trong đó: đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp người dân tộc thiểu số: 1.343 người ; lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, huyện và tương đương: 13 người; lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ngành, huyện và tương đương: 143 người; cán bộ lãnh đạo cấp xã: 234 người. Lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường thực hiện các dự án về bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, có thể khẳng định nguồn nhân lực là người DTTS của tỉnh Thái Nguyên hiện đang được đầu tư cả về số lượng và chất lượng với các chính sách chung của Chính phủ và chính sách riêng từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, theo nắm bắt thì số lượng người DTTS hoặc biết tiếng DTTS tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo luật cũng chưa phổ biến. Tại Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên hàng năm đều có số lượng nhất định đối tượng sinh viên DTTS tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đến học tập, sau đó trở về địa phương công tác trong các lĩnh vực[2]. Tại các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước, sinh viên học sinh là người DTTS tỉnh Thái Nguyên cũng tham gia nhưng theo ghi nhận số lượng cũng chưa nhiều. 1.2. Thực trạng và nhu cầu xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS Theo đánh giá của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, đồng bào các dân tộc trong tỉnh cơ bản chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhanh và đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; đảm bảo hướng phát triển cân bằng giữa khu vực miền núi và các khu vực đồng bằng trong tỉnh. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng phức tạp. Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước chuyển mình vuơn lên trong kỷ nguyên phát triển của cả dân tộc thì các văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi, ban hành mới hoặc được sửa đổi, bổ sung tạo nên một hệ thống hoàn thiện, đồ sộ với số lượng lớn các đạo luật, luật và nhiều văn bản dưới luật để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong điều hành, quản lý xã hội. Nội hàm các văn bản pháp luật cũng đòi hỏi phải bao quát, điều chỉnh chung và toàn diện khiến cho các quy phạm khung trở nên phổ biến; yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong hệ thống pháp luật để khơi thông thể chế, làm tiền đề khơi thông mọi nguồn lực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chủ trương của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo phương án “vừa chạy, vừa xếp hàng” cũng khiến cho nhu cầu xây dựng pháp luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; theo đó quy trình xây dựng cần rút ngắn về thời gian, ban hành sớm và có hiệu lực ngay cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn dưới góc độ thẩm thấu, nghiên cứu và phổ biến tinh thần pháp luật, đảm bảo đúng và kịp thời. Vì lẽ đó, truyền tải các quy định của pháp luật trong thời điểm hiện nay đến với mọi tầng lớp Nhân dân trở nên cần kíp và chuẩn mực hơn bao giờ hết. Điều này càng cần được thực hiện cẩn trọng, kịp thời hơn đối với vùng người dân đồng bào DTTS và miền núi để có những đồng thuận, tránh việc các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc các chính sách, chủ trương đột phá đang được Đảng và Nhà nước gấp rút triển khai trong đó có những chính sách, chủ trương được thực hiện song song với yêu cầu hoàn thiện pháp luật; thời gian đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống cũng vì thế cần hết sức khẩn trương, kịp thời, thậm chí còn phải “đi tắt đón đầu” để có hiệu quả hơn. Với điều kiện và địa thế chính trị của tỉnh Thái Nguyên, để chính sách thu hút, sử dụng sinh viên, học viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo luật về công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo nguồn báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là có điều kiện đảm bảo[3] và cũng là yêu cầu chung, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương phải quan tâm, nỗ lực triển khai trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực trạng không riêng đối với tỉnh Thái Nguyên là số lượng sinh viên DTTS tốt nghiệp ngành luật còn hạn chế; số lượng sinh viên, học viên là người DTTS theo học ngành luật ở các cơ sở đào tạo chưa cao; chưa kể tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành luật quay trở lại công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa nhiều. Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ việc làm, thu hút nguồn nhân lực ngành luật về công tác tại vùng DTTS chưa thực sự hấp dẫn; điều kiện làm việc tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế (thu nhập thấp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, điều kiện sinh hoạt khó khăn); môi trường công tác tại địa phương chưa tạo nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật. Điều này dẫn đến chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn nhiều hạn chế; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa thực sự thành thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của đồng bào DTTS; phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. 2. Giải pháp thu hút, sử dụng sinh viên, học viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo luật về công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo nguồn báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật 2.1. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số học ngành luật Hiện nay, chúng ta đang có nhiều chính sách hỗ trợ chung cho học sinh, sinh viên là người DTTS; các chính sách đó đều đang phát huy hiệu quả để đồng bào DTTS sau khi được đào tạo ở các lĩnh vực quay trở lại phục vụ chính quê hương, dân tộc của mình. Chính sách chung là tốt, tuy vậy, trong thời điểm cần bứt tốc về thể chế, nên chăng có các chính sách tốt hơn đối với chuyên ngành này. Đảng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ hiện nay cũng luôn khẳng định đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, bởi cải cách, hoàn thiện thể chế sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu mở rộng hơn trong năm 2025 khi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì bước đi đầu tiên cần bắt đầu từ việc cải cách, hoàn thiện thể chế. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2025, trong phát biểu kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển; thể chế là đột phá của đột phá, nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên đầu tư cho thể chế là đầu tư hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Với tầm tư duy chiến lược như trên, có chăng việc ưu đãi nhiều hơn cho đào tạo luật của sinh viên người DTTS cũng là điều nên làm trong thời điểm này. Theo đó cần có các chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên là người DTTS theo học ngành luật; đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo đặc thù, có lồng ghép kiến thức về pháp luật với phong tục tập quán của đồng bào DTTS. 2.2. Chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực ngành luật về công tác tại vùng dân tộc thiểu số Gắn với hỗ trợ về đào tạo chuyên ngành luật cho người DTTS cũng phải có chính sách thu hút để nguồn lực này phục vụ tốt hơn cho vùng DTTS và miền núi; có cơ chế và chính sách khuyến khích, thu hút cũng như ràng buộc song hành để học sinh, sinh viên sau khi đào tạo có mong muốn và trách nhiệm quay trở lại phục vụ đồng bào, quê hương. Tương tự như mảng giáo dục, Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước cũng đã có những chính sách thu hút nguồn lực cho các vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo. Nhưng để đi đến hiệu quả triệt để của chính sách chung, việc đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với sinh viên ngành luật về công tác tại địa phương là vùng DTTS; tạo điều kiện cho cán bộ pháp luật là người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để phát triển sự nghiệp là điều cần được phân tích, đánh giá và hiện thực hóa trong thời điểm hiện nay. 2.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số Đây là giải pháp mang tính kỹ thuật chuyên môn của ngành Tư pháp để có thể xây dựng các chương trình bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền pháp luật phù hợp với đặc điểm văn hóa của đồng bào DTTS. Giải pháp này cần được gắn với quá trình thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”. Năm 2025 đang là giai đoạn 1 của Đề án, do đó rất cần các bộ, ngành trung ương và mỗi chính quyền địa phương chung tay vào cuộc, nhất là sau khi sắp xếp đơn vị địa giới hành chính cấp tỉnh cần khẩn trương bắt tay rà soát, hoạch định các nhiệm vụ của Đề án để thực hiện các chỉ đạo của giai đoạn 2. Với mô hình đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ tài liệu, công cụ để tuyên truyền viên pháp luật có thể thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS cũng như người dân sinh sống tại vùng DTTS & miền núi. 2.4. Tăng cường sự phối hợp trong cả hệ thống chính trị từ khâu đào tạo, sử dụng và nâng cao năng lực cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS Theo đó, các cơ sở đào tạo luật cần phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ngành luật; đảm bảo định hướng “đầu ra” cho các em khi tốt nghiệp, tránh “chảy máu chất xám” và “lãng phí chính sách” khi nguồn lực học sinh, sinh viên là người DTTS được đào tạo chuyên ngành luật làm việc trái ngành nghề hoặc làm việc tại các khu vực, địa bàn không có người DTTS sinh sống, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả của mục tiêu đào tạo khi xây dựng chính sách ưu tiên, hỗ trợ từ “đầu vào”. Song song với đó, cần huy động các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại vùng DTTS bằng các phương pháp gần dân, sát dân, dân vận chính quyền, dân chủ Nhân dân. 2.5. Mở rộng nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người DTTS Đây cũng là một trong những mục tiêu và giải pháp kỹ thuật để Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” đạt được hiệu quả tối đa. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực sinh viên, học sinh là người DTTS để tạo nguồn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thì chưa đủ và cũng chưa toàn diện, chưa phát huy hết mục tiêu định hướng của Đề án. Trong điều kiện tăng cường chuyển đổi số, xã hội số, công dân số thì việc “hòa trộn” giữa miền núi và miền xuôi; sự chung tay chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm xã hội giữa người DTTS với các dân tộc khác cần được tăng cường, với cách nhìn nhận mới đa chiều hơn, mở rộng và thân thiện hơn. Theo đó, bên cạnh việc phát huy nội lực của đồng bào DTTS phải đồng thời có chính sách thu hút người biết nói tiếng DTTS và học sinh, sinh viên không phải là người DTTS tốt nghiệp chuyên ngành luật về công tác, cống hiến; trở thành các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Có thể khẳng định trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều giải pháp để kinh tế - xã hội các vùng miền được phát triển đồng đều, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn, giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí dân sinh, nhất là thông tin pháp luật. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở là vô cùng cấp thiết. Vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng biên giới, hải đảo là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của đồng bào DTTS còn hạn chế; các thế lực thù địch luôn tăng cường lợi dụng để tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, việc ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là hết sức cần thiết, nhất là trong chủ trương thực hiện Đề án sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn[4] sẽ có nhiều yếu tố bổ sung về vấn đề DTTS cho tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập. Để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này cần bảo đảm nguồn lực ổn định tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với một số giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được bền vững trong thời gian tới, những đòi hỏi mới của kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn lên của cả dân tộc./.
[1] Báo cáo số 55/BC-BDT ngày 09/01/2025 của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
[2] Năm 2022 có 28 sinh viên DTTS/428 tổng số sinh viên toàn trường; năm 2023 có 34/390; năm 2024 có 79/598.
[3] Thái Nguyên là trung tâm giáo dục vùng, có các chuyên khoa đào tạo riêng về ngành Luật.
[4] Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365.000 người).