Từ Nghị quyết 193/2025/QH15 đến Nghị định 88/2025/NĐ-CP: định hình những cơ chế đột phá đặc biệt cho đất nước phát triển

Thứ tư - 14/05/2025 06:23 281 0

Từ Nghị quyết 193/2025/QH15 đến Nghị định 88/2025/NĐ-CP: định hình những cơ chế đột phá đặc biệt cho đất nước phát triển

Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Từ những đột phá tháo gỡ điểm nghẽn bằng các cơ chế thí điểm
Nghị quyết số 193/2025/QH15 được ban hành nhằm tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, lựa chọn để thí điểm một số nội dung về thế chế vượt trội có kiếm soát trong giai đoạn 2025-2030, tạo sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, dần hiện thực hóa việc làm chủ các công nghệ số chiến lược.
Nghị quyết đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế tài chính thông qua việc: giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học được miễn trách nhiệm dân sự và không phải trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến; cho phép nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ.
Ngoài ra, để thúc đẩy thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, Nghị quyết thí điểm việc cho phép sở hữu tài sản trang bị và sở hữu hoặc quản lý, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để chủ động việc thương mại hoá ngay sau khi hoàn thành việc nghiên cứu; thí điểm việc cho phép các khoản tài trợ, khoản chi của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đến những điểm mới đột phá về thể chế
Ngày 13/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều điểm mới nổi bật.
Về quản lý nhân sự làm khoa học, Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đối với viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập, Nghị định 88/2025/NĐ-CP nêu rõ: trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại các doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức. Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập thì quyết định cử phải quy định về thời gian, hình thức; đơn vị trả lương, thưởng, phụ cấp; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý làm việc. Nghị định cũng quy định quyền và nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp.
Về cơ chế quản lý tài chính, Nghị định quy định linh hoạt hơn về các cơ chế về quản lý tài chính, khoán chi, không hoàn trả kinh phí trong trường hợp nghiên cứu không thành công nếu đã tuân thủ đúng quy định… đã giúp giảm đáng kể áp lực tâm lý cho các nhóm nghiên cứu, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ tinh thần thử nghiệm, đổi mới và dám nghĩ dám làm.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định nhấn mạnh tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ được thực hiện định kỳ hàng năm.
Về hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học, Nghị định đưa ra nhiều cơ chế thí điểm và đột phá để thúc đẩy thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức chủ trì là cơ quan, tổ chức, đơn vị; nhấn mạnh việc thương mai hóa theo các hình thức cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng và liên doanh, liên kết phải được lập thành Hợp đồng.
Những điểm mới trong Nghị định 88/2025/NĐ-CP đã thể hiện rõ tinh thần đột phá trong chính sách phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Với những quy định linh hoạt, sát thực tiễn và ưu tiên hỗ trợ các tổ chức khoa học, cơ sở giáo dục đại học, Nghị định này là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu – đổi mới sáng tạo – thương mại hóa sản phẩm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Để triển khai hiệu quả các tinh thần chủ trương đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 06/05/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Với  một phần lợi thế của trung tâm phát triển vùng và trung tâm giáo dục của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều kỳ vọng tỉnh Thái Nguyên sẽ phát huy được những điểm mới đột phá để đưa địa phương trở thành một trong những tỉnh phát triển mới trong cực tăng trưởng phía Bắc./.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây