Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luậthttps://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Thứ sáu - 16/05/2025 03:4240
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị - pháp lý hệ trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, quyết định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp là nội dung cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi; các quy định chuyển tiếp cần đảm bảo tính toàn diện, chi tiết, khả thi để hệ thống chính trị vận hành thông suốt và đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất.
1. Về hiệu lực thi hành Để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, sắp xếp về tổ chức, cán bộ, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định, hướng dẫn, phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khi không còn tổ chức chính quyền cấp huyện, đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là từ ngày 01/7/2025. 2. Về điều khoản chuyển tiếp Lý giải cho các bổ sung hiến định về điều khoản chuyển tiếp khi thông qua các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với Hiến pháp năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã nêu căn kẽ trong tài liệu thuyết minh. Cụ thể: (1) Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất khẳng định: “Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”, vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết này cần có quy định để chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện đang có hiện nay trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ xác định một khoảng thời gian chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan ở cấp huyện hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sau khi sắp xếp (bao gồm cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) kịp rà soát, tiếp nhận cán bộ, công chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, kiện toàn về tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc để chính thức đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết; bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết theo đúng tiến độ yêu cầu, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân. (2) Để kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện. Lý do của việc cần áp dụng cơ chế này trước hết là do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân chỉ còn rất ngắn, đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, thì việc áp dụng cơ chế chỉ đinh đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy hình thức là chỉ định nhưng công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn phải được tiến hành hết sức chặt chẽ và do cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện theo đúng quy định của Đảng. Cơ chế này chỉ thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp (về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện), còn sau bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, Hội đồng nhân dân sẽ bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và các quy định chuyển tiếp khi kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện là những vấn đề có tính quyết đáp lớn, quyết tâm cao, đòi hỏi sự sâu sát giám sát trong quá trình thực hiện để nước ta thực sự có được bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị./.