Xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động

Thứ năm - 03/04/2025 21:38 14 0
Năm 2008, Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Vấn đề này tiếp tục được điều chỉnh tại Hiến pháp 2013, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, Bộ Luật dân sự 2015, Luật Kiểm toán nhà nước 2015, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và hiện hành là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
Xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động
Tài sản công là nguồn lực quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước cũng như mỗi địa phương. Việc quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản công là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng cũng như xử lý các vấn đề phát sinh ngày càng được chú trọng ban hành, nhất là trong giai đoạn chúng ra đang thực hiện cải tổ toàn diện hệ thống các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương.
Cùng với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Chính phủ ban hành các Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mới đây nhất là Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 (và đồng thời có hiệu lực) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các quy định hiện hành đã hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy; quy định rõ các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động…., cơ chế xử lý tài sản luôn được thực hiện minh bạch, công khai, tránh thất thoát, lãng phí.
Nghị định số 50/2025/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Điều 35b (được bổ sung tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP) đối với xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động như sau:
(1) Đối với cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động, có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác...), cơ quan nhà nước thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Trường hợp sáp nhập, hợp nhất (bao gồm cả trường hợp thành lập cơ quan, đơn vị mới trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hiện có) thì pháp nhân sau khi sáp nhập, hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất và có trách nhiệm:
- Bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật;
- Xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật và Nghị định này để lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật;
- Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, cơ quan nhà nước bị sáp nhập, hợp nhất chưa xử lý xong.
(3) Trường hợp chia tách, cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện chia tách có trách nhiệm lập phương án phân chia tài sản hiện có và phân công trách nhiệm xử lý các tài sản đang trong quá trình xử lý cho các pháp nhân mới sau khi chia tách, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chia tách phê duyệt.
Sau khi hoàn thành việc chia tách, các pháp nhân mới có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và hoàn thành việc xử lý các tài sản đang trong quá trình xử lý theo trách nhiệm được phân công; đối với tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật và Nghị định này, pháp nhân mới có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.
(4) Trường hợp chấm dứt hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác
Căn cứ chủ trương của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước bị chấm dứt hoạt động chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án phân chia tài sản phù hợp với nhiệm vụ chuyển và thực trạng của tài sản để tổng hợp vào đề án/phương án sắp xếp bộ máy; trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ theo đề án/phương án sắp xếp bộ máy, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện 03 nhiệm vụ theo mục (2) nói trên.
(5) Trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà không thuộc phạm vi theo mục (4) kể trên, sau khi có Quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước bị giải thể, chấm dứt hoạt động có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan khác được giao tiếp nhận tài sản.
Cơ quan được giao tiếp nhận tài sản có trách nhiệm căn cứ quy định của Luật và Nghị định này lập hồ sơ báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản theo quy định. Đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi giải thể, chấm dứt hoạt động mà đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan nhà nước bị giải thể, chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành việc xử lý thì cơ quan được giao tiếp nhận tài sản có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành.
Liên quan đến chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, riêng đối với tài sản công là nhà đất dôi dư, theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà, đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ngoài nhà đất trụ sở công, còn nhiều đối tượng thuộc diện quản lý tài sản công cần được rà soát, thống kê đầy đủ, kịp thời, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo  của Quốc hội tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Đặc biệt, cần hết sức lưu ý tránh 10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Quy định 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Nội dung chi tiết Nghị định 50/2025/NĐ-CP./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây