Tỉnh Thái Nguyên: Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật và những kỳ vọng cho công tác thể chế địa phương trong kỷ nguyên mới

Chủ nhật - 23/03/2025 23:49 73 0

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ thường xuyên có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt về công tác xây dựng thể chế. Sự trăn trở của người đứng đầu Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, tháo gỡ các "điểm nghẽn" của thể chế thực sự là thông điệp nối dài, khơi dậy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khởi nguồn đề xuất cho công tác xây dựng thể chế
Trung tuần tháng 11 năm 2024, trong chuỗi các sự kiện hoạt động của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có lịch làm việc với từng sở, ngành, địa phương của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng. Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên là đơn vị được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm và làm việc, đồng thời trao quyết định điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Văn Khương - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở trong cùng một thời điểm (ngày 14/11/2024). Đây được coi là một trong số các sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Tại buổi làm việc, trong không khí chân tình, cởi mở, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi ý để đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp có những đề xuất về công tác chuyên môn. Ý tưởng Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu phương thức, nội dung, kết quả của việc tổ chức các phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, và được người đứng đầu UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, thể hiện trong văn bản số 159/TB-UBND ngày 18/11/2024 của UBND tỉnh về việc Thông báo Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Tư pháp ngày 14/11/2024.
Có thể nói, khởi nguồn cho đề xuất Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật là những khẳng định, ghi nhận của Chính phủ đối với công tác xây dựng thể chế. Nhiệm kỳ 2021-2026 của Chính phủ được đánh giá là nhiệm kỳ đổi mới điều hành với nhiều trọng trách lớn và cũng đang để lại rất nhiều dấu ấn trong đó có công tác xây dựng thể chế. Các Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật gần như được tổ chức hàng tháng (năm 2022, 2024 diễn ra 9 phiên; 3 tháng đầu năm 2025 đã có 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật[1]). Điều này cho thấy Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ hết sức coi trọng công tác xây dựng thể chế, dành thời gian, công sức, tâm huyết và nhiều nguồn lực cho công tác này. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn đối với chính quyền địa phương, người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương cần thực sự vào cuộc chỉ đạo công tác xây dựng thể chế và từ những gợi ý, truyền cảm hứng, lắng nghe các đề xuất chuyên môn. Điều này đặt ra trách nhiệm vô cùng nặng nề cho các cơ quan thuộc UBND tỉnh, đặc biệt Sở Tư pháp là cơ quan có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong cải cách thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ở địa phương.
Nguyên tắc tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật
Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cụ thể phương án tổ chức Phiên họp chuyên đề của UBND tỉnh về xây dựng pháp luật gồm nội dung, trình tự, thủ tục, thành phần, hình thức tổ chức; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Là một đề xuất mới về phương thức làm việc ở cấp địa phương[2], xuất phát từ việc tham khảo mô hình của Chính phủ trong những năm trở lại đây, ngày 07/02/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật (sau đây gọi là Kế hoạch Phiên họp chuyên đề).
Kế hoạch Phiên họp chuyên đề được xây dựng trên cơ sở Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt Đề án tăng cường hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 – 2025; Kế hoạch số 215/UBND-KH ngày 20/11/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030” và Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025[3]. Về nguyên tắc, việc tổ chức Phiên họp chuyên đề cần đảm bảo 05 quan điểm chỉ đạo sau:
Một là, công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; chú trọng tăng cường gắn kết việc xây dựng pháp luật với hiệu quả thi hành pháp luật.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ba là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường công tác dự thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
Bốn là, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: chậm đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật; tham mưu ban hành văn bản không đúng hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; tổ chức thi hành pháp luật chậm, thiếu hiệu quả, đặc biệt là do nguyên nhân chủ quan.
Năm là, tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật theo hướng “đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”. Phấn đấu đến năm 2030 tạo nguồn công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại địa phương.
Những yêu cầu trong công tác chuẩn bị
Theo Kế hoạch, Phiên họp chuyên đề được định kỳ tổ chức mỗi quý 01 lần, đảm bảo nguyên tắc theo Quyết định số 2699/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và quy chế được ban hành trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Nội dung cần bám sát các yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường nhận thức về ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của công tác tham mưu xây dựng pháp luật; coi đó là khâu then chốt trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Phiên họp Quý I/2025 sẽ được tổ chức vào ngày 27/3/2025 tới là phiên đầu tiên của UBND tỉnh Thái Nguyên, được kỳ vọng là sự mở đầu của một phương pháp làm việc chuyên sâu, có trọng tâm cho công tác xây dựng thể chế.
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên là cơ quan đề xuất, đồng thời cũng là cơ quan được giao trực tiếp tham mưu các nội dung Phiên họp. Các khâu chuẩn bị đã được Sở Tư pháp thực hiện thận trọng trên cơ sở trao đổi, phối hợp với các sở, ngành trong việc phân tích, đánh giá, rà soát các nội dung xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền cấp tỉnh.
Theo Báo cáo số 199/BC-STP ngày 17/3/2025 của Sở Tư pháp về kết quả công tác xây dựng, rà soát văn bản QPPL pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phục vụ cho phiên họp chuyên đề (số liệu tính từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 15/3/2025), rất nhiều nhiệm vụ công tác xây dựng thể chế của tỉnh cần được thống nhất thông qua và tổ chức thực hiện trong thời gian trước mắt. Sở Tư pháp đã rất khẩn trương trong việc phối hợp rà soát các nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL còn nợ, chậm tính đến thời điểm tổ chức Phiên họp (08 nhiệm vụ, bao gồm cả văn bản nợ chậm năm 2024 và Quý I/2025); thống kê danh mục chi tiết nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL cần ban hành trong Quý II/2025, bao gồm các nhiệm vụ xây dựng pháp luật mới phát sinh và các nhiệm vụ thực hiện còn nợ, chậm (18 nhiệm vụ); danh mục văn bản đang còn hiệu lực có nội dung không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế (tổng số 25 văn bản bao gồm 02 nghị quyết và 23 quyết định do HĐND, UBND tỉnh ban hành); danh mục văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy (tổng số 145 văn bản); danh mục văn bản dự kiến cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (84 văn bản). Đồng thời thông tin về các nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết đối với các luật, nghị quyết của Quốc hội và các nội dung khác thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương.
Và kỳ vọng sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chính quyền cấp tỉnh của tỉnh Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới
Xác định “đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển[4], thời gian vừa qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã dần đi vào nền nếp, chất lượng của các văn bản ban hành từng bước được nâng lên; quy trình xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, các dự thảo văn bản QPPL được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phù hợp. Số lượng văn bản được ban hành tương đối lớn, nội dung trải đều các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho hệ thống pháp luật của tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tỉnh Thái Nguyên đã dành nguồn lực để thực hiện 02 Đề án cho công tác xây dựng pháp luật (Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 – 2020[5]; Đề án tăng cường hoạt động xây dựng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2023 – 2025[6]). Cả 02 Đề án đều đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực cho công tác xây dựng thể chế của địa phương trên cả 3 cấp chính quyền.
Gần đây nhất, công tác hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 đã thực hiện tổng rà soát văn bản trong toàn tỉnh. Theo đó, đã xác định được tổng số văn bản còn hiệu lực kỳ 2019-2023 ở cấp tỉnh 565 văn bản (191 nghị quyết, 367 quyết định, 07 chỉ thị)[7]; cấp huyện 72 văn bản; cấp xã 24 văn bản. Công tác hệ thống hóa cũng đã lập danh mục cụ thể đối với văn bản còn hiệu lực thi hành; văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ để công bố tổ chức thực hiện hoặc tham mưu xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, về nguyên lý, pháp luật luôn gắn với đời sống xã hội, phản ánh đời sống xã hội và cũng là công cụ để quản lý xã hội nên thường xuyên thay đổi, biến động, thích nghi cho phù hợp. Hơn nữa ở thời điểm hiện tại, cùng với việc ban hành và có hiệu lực của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025, chủ trương thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cấp chính quyền địa phương một cách sâu sắc, toàn diện thì việc điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành, tối cao nhất là sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã được Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương chỉ đạo nghiên cứu. Điều đó đồng nghĩa với việc khởi động quá trình tổng rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng đổi mới đang diễn ra. Đó thực sự là nhiệm vụ rất lớn của toàn thể dân tộc, cần sự chung tay chung sức của cả hệ thống chính trị, đứng đầu là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với mỗi địa phương, thẩm quyền xây dựng thể chế hiện đang được ghi nhận với vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền hiện nay. Nhiều vấn đề Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương giao cho chính quyền địa phương ban hành quy định để áp dụng cho phù hợp tại địa phương mình và chịu trách nhiệm trong tổ chức thi hành. Đảng ta cũng hoạch định nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, cần thiết để thực hiện thể chế hóa thành pháp luật, tầm cấp nào thực hiện thể chế phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cấp đó, đảm bảo chủ trương, chính sách của Đảng phải đến được với dân, thẩm thấu trong đời sống Nhân dân. Đảng giao quyền nhưng tuyệt đối lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật để đảm bảo luật pháp là công cụ điều hành và mang lại quyền, lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc[8].
Vì lẽ đó, việc tỉnh Thái Nguyên và các địa phương tổ chức các Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật là cần thiết theo một phương pháp hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều văn bản cần phải ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Khi có các Phiên chuyên đề, cách thức tiếp cận các nhiệm vụ xây dựng pháp luật sẽ tập trung có trọng tâm, trọng điểm và hội tụ được nhiều hơn trí tuệ tập thể cho công tác xây dựng thể chế. Cách làm của Thái Nguyên được xem là thí điểm 1 quý 1 lần, nhưng khi nhu cầu, nhiệm vụ của công tác thể chế đòi hỏi cao hơn thì có thể sẽ có thêm các Phiên chuyên đề bổ sung để đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta./.     
 
[1] Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 18/01/2025 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2025; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 04/3/2025 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02/2025.
[2] Tỉnh Thái Nguyên là một trong những tỉnh mạnh dạn tham mưu tổ chức một phiên họp riêng của UBND tỉnh về công tác xây dựng pháp luật, trước đó các nội dung này đều thực hiện lồng ghép tại phiên họp định kỳ hoặc thông qua xin ý kiến bằng phiếu của các thành viên UBND tỉnh.
[3] Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

[4] Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

[5] Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
[6] Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
[7] Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 29/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên trong kỳ 2019-2023.
[8] Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây