Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luậthttps://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Thứ hai - 17/03/2025 21:37740
Ngày 12/03/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 571/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Ban Chỉ đạo có rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai ngay trong đó nhiệm vụ hết sức nặng nề là xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện tại Kết luận 127-KL/TW của ủa Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Như vậy, chính quyền 02 cấp sẽ sớm được hiện thực hóa dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị; là mô hình, diện mạo mới của chính quyền địa phương trong thời gian tới. Song song với đó là việc sáp nhập tỉnh, xã dẫn đến việc thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính của hàng ngàn đơn vị hành chính các cấp[1]. Vấn đề tổ chức chính quyền địa phương khi thay đổi địa giới hành chính được Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (có hiệu lực từ 01/3/2025) quy định cụ thể như sau: 1. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp Khi nhiều đơn vị hành chính nhập thành 01 đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ, trừ trường hợp đơn vị hành chính mới không tổ chức cấp chính quyền địa phương. Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới ở trên bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 34 Luật năm 2025 và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra. Về phương án điều hành, Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới do 01 triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới. 2. Trường hợp chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp Khi 01 đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì các đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu hoặc đang thực hiện nhiệm vụ đại biểu ở phần địa phận thuộc đơn vị hành chính mới nào thì hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính đó và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ. Luật năm 2025 quy định cụ thể các các trường hợp xử lý về tổ chức chính quyền có thể phát sinh trên thực tế như: (1) Trường hợp Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới có số đại biểu lớn hơn hoặc bằng hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định. (2) Trường hợp số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định và thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng. (3) Trường hợp số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính mới không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định và thời gian còn lại của nhiệm kỳ ít hơn hoặc bằng 18 tháng. Về điều hành và hoạt động , Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới do 01 triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới. 3. Trường hợp thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở nguyên trạng Trường hợp thành lập mới 01 đơn vị hành chính trên cơ sở nguyên trạng đơn vị hành chính đã có thì đại biểu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cũ chuyển thành đại biểu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới. 4. Trường hợp thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần địa phận và dân cư của các đơn vị hành chính Khi thành lập mới 01 đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần địa phận và dân cư của các đơn vị hành chính cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân cấp đó đang cư trú hoặc công tác ở địa phận đó được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến khi hết nhiệm kỳ. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính được điều chỉnh một phần địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính mới tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ; việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử. Ngoài ra Luật năm 2025 còn quy định phương án xử lý trong các trường hợp đặc biệt như hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân khi di chuyển tập thể dân cư(Điều 45), hoạt động của Hội đồng nhân dân khi không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 46), giải tán Hội đồng nhân dân (Điều 47). Theo Quyết định 571/QĐ-TTg, thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm có trách nhiệm tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương trước 15/5/2025 để phù hợp với mô hình chính quyền 02 cấp; đồng thời điều chỉnh cho phù hợp các quy định hiện hành khi thực hiện sáp nhập tỉnh, xã dẫn đến điều chỉnh địa giới hành chính; đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt trong bất cứ tình huống nào. Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đòi hỏi tập trung quán triệt, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chủ động tham gia các nội dung, nhiệm vụ liên quan, nhất là quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân. Đó là chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để thực hiện bằng được một nhiệm vụ lớn với khối lượng công việc khổng lồ và quyết tâm chính trị cao nhất trong thời điểm hiện nay ./.
[1]Tính đến ngày 01/02/2025, Việt Nam có 10.053 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.724 phường, 617 thị trấn và 7.694 xã; 696 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm 06 thành phố trực thuộc Trung ương và 57 tỉnh.