Quy định hiện hành về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính

Thứ tư - 19/03/2025 05:17 89 0

Quy định hiện hành về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính

Theo Kết luận 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu Đảng uỷ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Quốc hội, các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tiếp đó, Kết luận 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Bộ Chính trị cũng yêu cầu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025. Ngày 11/03/2025, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Như vậy có thể thấy chúng ta đang trong một cuộc cách mạng lớn, một sự kiện chính trị có sự tác động vô cùng sâu sắc đến tổng thể phát triển đất nước, chiếm lĩnh sự quan tâm của mọi tầng lớp Nhân dân và cộng đồng các quốc gia có quan hệ chính trị, kinh tế với Việt Nam. Và trong những ngày này, cụm từ “sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính” cấp tỉnh, cấp xã được nhắc đến nhiều nhất. Cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 về vấn đề này:
1. Nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính 
Việc tổ chức đơn vị hành chính (bao gồm thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính) được thực hiện theo 04 nguyên tắc sau đây, trong đó ngoài việc đảm bảo phù hợp với Hiến pháp thì nguyên tắc phù hợp với năng lực quản lý, điều kiện tự nhiên, xã hội... của sự phân vùng địa giới hành chính:
- Tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt, liên tục của quản lý nhà nước;
- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của từng địa phương;
- Phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số; bảo đảm các công việc, thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và xã hội được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, thuận lợi;
- Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện để thực hiện các hình thức tổ chức đơn vị hành chính 
Việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải bảo đảm các điều kiện để đơn vị hành chính vận hành đảm bảo quy định của pháp luật và hiệu quả, thuận lợi trong thực tiễn:
- Phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
- Phải căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong 02 trường hợp sau:
(1) Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;
(2) Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.
3. Thẩm quyền quyết định việc tổ chức đơn vị hành chính
Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính được quy định như sau: 
- Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
4. Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính
Theo quy định hiện hành, thủ tục bao gồm 6 quy trình chặt chẽ với các bước thực hiện từ cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền quyết đinh; cụ thể như sau:
(1) Xây dựng Đề án
(2) Thiết lập hồ sơ
Hồ sơ Đề án gồm có:
- Tờ trình về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết của Quốc hội hoặc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
(3) Lấy ý kiến Nhân dân
(4) Hoàn thiện Đề án
(5) Thẩm định Đề án
(6) Xem xét thông qua Đề án
Tổ chức đơn vị hành chính trong đó có sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính như chúng ta đang thực hiện là những công việc rất lớn của quốc gia và mỗi địa phương; do đó cần được triển khai thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, quy trình theo đúng quy định của pháp luật với mục tiêu lớn nhất là xây dựng mô hình chính quyền địa phương điều hành hiệu quả, hiệu năng, mang lại quyền lợi tốt hơn cho người dân./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây