Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy về thể chế

Chủ nhật - 18/05/2025 05:38 64 0

Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy về thể chế

Cùng với quyết tâm chính trị để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tiếp tục đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc gia và trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 17 tháng 5 năm 2025, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được. Nghị quyết số 198/2025/QH15 là sự thể chế hóa sâu sắc Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4 tháng 5 năm 2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Với tiêu điểm về cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết quy định rõ về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó nhấn mạnh số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng…
Bên cạnh đó, các nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh yêu cầu phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự cũng là những quy định chính thức về nguyên tắc xử lý vi phạm được chỉ đạo xuyên suốt để doanh nghiệp tư nhân yên tâm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuê nhà đất là tài sản công; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong là những quy định có tính đột phá về thể chế.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể về thể chế, trong đó ấn định thời hạn rõ ràng, chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2026, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04 tháng 5 năm 2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Có thể nói, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra là một kỳ họp quan trọng, đặc biệt với nhiều chính sách, thể chế đột phá được thông qua; tạo một hệ thống đòn bẩy đồng bộ, nhất quán, tương hỗ mật thiết với nhau để đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu bứt phá đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cơ chế tại Nghị quyết số 198/2025/QH15 được thể chế đúng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân “không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia”./.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây