Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xây dựng đã phát sinh một số yêu cầu trong tình hình mới cũng như các vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, như các thủ tục về thẩm định dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề cần được rà soát, cải cách để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mới tại những chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội; quy định về thẩm định dự án trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, hoàn thiện.
Ngoài ra, cũng cần xem xét điều chỉnh quy định về hình thức quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng bảo đảm phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, không quá cứng nhắc cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời cần rà soát các quy định bảo đảm thống nhất với các pháp luật có liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai; Luật Quảng cáo…
Để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập như trên đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được xây dựng và thông qua với 3 nhóm chính sách lớn:
Cải cách, đơn giản thủ tục hành chính
Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là nhóm chính sách trọng tâm, chiếm nội dung chủ yếu trong Luật sửa đổi lần này.
Luật đã phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư/chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng theo nguyên tắc người quyết định đầu tư/chủ đầu tư thẩm định để phê duyệt; cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể có liên quan đến dự án.
Theo đó, người quyết định đầu tư/chủ đầu tư tổ chức thẩm định tất cả các loại dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, đồng thời tổng hợp kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng để phê duyệt.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện thẩm định đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án vốn Nhà nước ngoài đầu tư công từ nhóm B trở lên và các dự án có quy mô lớn khác hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.
Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư được thực hiện song song đồng thời các thủ tục hành chính như: Thẩm định của người quyết định đầu tư/chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, công nghệ…
Lồng ghép thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo nguyên tắc: Công trình thuộc đối tượng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở sẽ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng (đủ điều kiện về cấp giấy phép xây dựng), các công trình còn lại phải thực hiện cấp giấy phép xây dựng (cơ quan cấp giấy phép sẽ kiểm tra thêm một số điều kiện về đảm bảo an toàn công trình,...).
Nguyên tắc này bảo đảm cắt giảm và đơn giản hóa tối đa về 2 thủ tục này nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng trước khi công trình được khởi công xây dựng.
Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng như: công trình thuộc dự án do người đứng đầu cơ quan ở Trung ương quyết định đầu tư (cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội,...); công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.
Luật cũng giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng cho công trình xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày so với quy định cũ). Đồng thời bổ sung thẩm quyền cho UBND tỉnh cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt (hiện thuộc thẩm quyển của Bộ Xây dựng).
Thẩm quyền ban hành hệ thống định mức xây dựng: Bộ trưởng Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành hệ thống định mức xây dựng để áp dụng hoặc tham khảo xác định và quản lý chi phí. Việc áp dụng hoặc tham khảo được quy định theo loại nguồn vốn: Vốn đầu tư công căn cứ các quy định về quản lý chi phí, áp dụng hệ thống định mức; vốn Nhà nước ngoài đầu tư công căn cứ các quy định về quản lý chi phí, tham khảo hệ thống định mức; vốn khác tham khảo hệ thống định mức.
Về hình thức quản lý dự án: Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn và điều kiện thực hiện dự án, người quyết định đầu tư áp dụng một trong các hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành/khu vực; ban quản lý dự án một dự án; chủ đầu tư tự quản lý dự án; tổ chức tư vấn quản lý dự án.
Ban quản lý dự án chuyên ngành/khu vực được áp dụng đối với dự án vốn đầu tư công khi được người quyết định đầu tư giao quản lý thực hiện đồng thời hoặc liên tục các dự án thuộc cùng chuyên ngành hoặc trên cùng một địa bàn.
Bãi bỏ, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh
Luật Xây dựng sửa đổi cũng bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, một số lĩnh vực hoạt động xây dựng của cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, như: Chỉ huy trường công trường; cá nhân phụ trách an toàn lao động; cá nhân tham gia quản lý dự án; cá nhân tham gia quản lý chi phí; cá nhân kiểm định xây dựng;...
Một số lĩnh vực hoạt động xây dựng của tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực, như: tổ chức tham gia quản lý chi phí; tổ chức thực hiện kiểm định xây dựng; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng...
Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác
Tại thời điểm sửa đổi Luật Xây dựng, một số luật khác mới được Quốc hội thông qua hoặc đang sửa đổi đồng thời với Luật này, có những quy định liên quan trực tiếp như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đất đai; Luật Quảng cáo. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có những quy định bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật, cụ thể như: Thống nhất quy định về chủ đầu tư xây dựng, bảo đảm thống nhất khái niệm nhà đầu tư được quy định ở các luật; quy định thống nhất đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; việc phân loại dự án theo nguồn vốn sử dụng (vốn đầu tư công, Nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác), cấp giấy phép xây dựng cho công trình quảng cáo (thống nhất với quy định của Luật Quảng cáo), ...
Ngoài ra, Luật còn quy định cụ thể trình tự, thẩm quyền, trách nhiệm về phá dỡ công trình xây dựng và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Quy định rõ về loại công trình khẩn cấp, công trình tạm, thẩm quyền quyết định và trình tự thực hiện đối với công trình khẩn cấp, công trình tạm; cơ chế đặc thù đối với loại công trình này...
Bùi Văn Dưỡng
Phó Cục trưởng - Bộ Xây dựng
Ý kiến bạn đọc