Ngành Tư pháp và những giải pháp tích cực thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thứ hai - 28/06/2021 03:25 2.775 0
Khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, sáng ngày 25/5, người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc rất hiệu quả, quyết liệt với Bộ Tư pháp về tình hình hoạt động, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới cũng như trực tiếp lắng nghe, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.
Trước những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, ngay sau buổi làm việc, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều kế hoạch hành động thực hiện Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 01/6/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ và vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngày 02/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã ban hành Công văn số 2468/UBND-NC về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chỉ đạo 6 nội dung sau:
Một là, xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành, địa phương. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này, có trách nhiệm đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản QPPL.
Hai là, thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, đặc biệt là chất lượng lập đề nghị xây dựng văn bản và trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với ý kiến của các cơ quan có liên quan, nhất là ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp và của các thành viên UBND. Các đơn vị, địa phương khi được lấy ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL phải tổ chức lấy ý kiến của các phòng chuyên môn và tập thể lãnh đạo, có nội dung, quan điểm rõ ràng đối với nội dung dự thảo văn bản QPPL.
Ba là, tập trung rà soát ngay các quy định pháp luật giao cho địa phương quy định chi tiết để tham mưu ban hành kịp thời, đồng thời chủ động rà soát các lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo quản lý hiệu quả ngành, lĩnh vực trong phạm vi được giao.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thường xuyên nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội để xử lý kịp thời. Tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời kết quả rà soát, kiểm tra văn bản QPPL, đặc biệt là các kết luận kiểm tra của cơ quan Trung ương đối với văn bản QPPL của tỉnh.
Năm là, tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý văn bản pháp luật của trung ương đang gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc Hội khóa XIV) và Công văn số 514/TTg-PL ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Sáu là, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản QPPL. Các sở, ban, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh đảm bảo giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc trước khi trình UBND tỉnh xem xét, thông qua.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản QPPL; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương, đồng thời chỉ rõ đơn vị, địa phương buông lỏng chỉ đạo, chậm trễ trong tham mưu xây dựng, xử lý văn bản QPPL báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Trên cơ sở nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, kết quả tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL giai đoạn 2017 - 2020, tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, văn bản pháp luật phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Với các giải pháp mang tính tổng thể, ngày 23/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1042/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả những việc cần làm ngay theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 140/TB-VPCP. Theo đó Kế hoạch xác định cần tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng trong ngành tư pháp, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của ngành tư pháp. Đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; yêu cầu chủ động nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật; tham mưu hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật…
Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo và đổi mới các giải pháp thực hiện nhiệm vụ đi đôi với đầu tư nguồn lực con người và kinh phí trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tư pháp. Tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết để xử lý những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Chủ động phối hợp với Bộ liên quan nghiên cứu, sớm sửa đổi các quy định về kinh phí thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn kinh phí nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho những lĩnh vực còn yếu và thiếu của ngành tư pháp và đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành.
Những thông điệp và nội dung quan trọng tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ là động lực to lớn để toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp trong cả nước thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với công tác Tư pháp trong nhiều năm trở lại đây. Từ đó tăng cường hơn nữa năng lực tham mưu trong bối cảnh công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đang được đặt lên vai ngành Tư pháp với nhiều trọng trách, nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề, đòi hỏi thực sự cần có nhiều hơn nữa những đột pháp trong hoạt động của toàn ngành trong những năm tới.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay10,289
  • Tháng hiện tại394,691
  • Tổng lượt truy cập9,878,771
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây