UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên

Thứ ba - 29/06/2021 23:17 957 0
Thời gian qua, công tác xây dựng văn bản pháp luật được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, sau khi ban hành văn bản 2468/UBND-NC ngày 02/6/2021 về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung chỉ đạo đáng chú ý “Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này, có trách nhiệm đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản QPPL”.
Ngày 20/6/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện 09 nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật:
- Về triển khai thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng văn bản pháp luật: UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 06/9/2017 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp tỉnh Thái Nguyên; và các văn bản triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt UBND tỉnh giao Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
- Về tăng cường tính chủ động, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát các lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện rà soát ngay các quy định pháp luật giao cho địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết tại các Luật, Nghị định, Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu ban hành kịp thời, không để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và chậm tham mưu xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời quan tâm chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đặc biệt là tổng kết, đánh giá việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh khi đề xuất ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.
- Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật: UBND tỉnh yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; đảm bảo triển khai thi hành kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, đúng quy định các văn bản pháp luật được ban hành. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; đối với các vụ việc vi phạm trong tổ chức thi hành pháp luật cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, kịp thời có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật.
- Về tăng cường các hoạt động rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật:
Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra văn bản, đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp được kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật; duy trì việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác xây dựng văn bản hằng năm của UBND tỉnh đối với các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện.
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc hoạt động rà soát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt thực hiện ngay đợt rà soát chuyên đề các văn bản của tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật có thể gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội để kiến nghị xử lý kịp thời, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/8/2021.
- Về nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong công tác phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xác định trách nhiệm tham gia ý kiến xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm trong giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
- Về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lấy ý kiến xây dựng văn bản
Các sở, ban, ngành, UBND các cấp nghiên cứu đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nghiên cứu, đề xuất giải pháp lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo văn bản. Nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để bảo đảm tính hiệu quả, khách quan, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
- Về kiện toàn, nâng cao năng lực các thiết chế tổ chức và thi hành văn bản pháp luật: Các cấp các ngành phải có giải pháp cụ thể, đồng bộ để xây dựng, bố trí, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó ưu tiên kiện toàn đội ngũ trực tiếp tham mưu quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ pháp chế ngành đáp ứng các yêu cầu về xây dựng chính sách, pháp luật.
- Về tăng cường công tác tuyên truyền văn bản pháp luật: Tăng cường nguồn lực và đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản pháp luật của tỉnh ban hành, đảm bảo công khai, minh bạch, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong triển khai thi hành. Khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đảm bảo toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được số hóa trên môi trường mạng.
- Về khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật: UBND tỉnh chỉ đạo kết quả triển khai thi hành văn bản pháp luật theo kế hoạch này và các quy định của pháp luật nói chung được xem xét là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu. Từ đó đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung trên, UBDN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
 

Tác giả bài viết: Đàm Huân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay9,035
  • Tháng hiện tại208,416
  • Tổng lượt truy cập15,169,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây