Một số kết quả chủ yếu qua 6 năm thực hiện Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 23/06/2021 04:37 791 0
Thực hiện Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, dưới sự lãnh đạo, đạo thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, hoạt động hợp tác với nước ngoài nói chung và hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều hoạt động trao đổi đoàn, hoạt động giao lưu văn hóa, các buổi họp trao đổi thông tin hai bên, các chương trình xúc tiến đầu tư tại tỉnh và tại các địa phương nước ngoài thường xuyên được tổ chức.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp ký 07 Thỏa thuận quốc tế (với 02 địa phương nước ngoài và 05 tổ chức quốc tế); ký Bản Ý định thư tìm hiểu hợp tác với thành phố Poitiers (Cộng hòa Pháp); tham gia ký kết Bản ghi nhớ về việc lập nhóm công tác chung giữa các địa phương Việt Nam và Tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ); trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện ký kết và triển khai hiệu quả các văn bản hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, địa phương, tổ chức nước ngoài; tổ chức 18 hội nghị, hội thảo quốc tế với sự tham dự của trên 360 lượt khách nước ngoài và gần 1.700 lượt người Việt Nam; xem xét, chấp thuận đối với trên 60 lượt đề nghị tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hợp tác không chỉ tập trung phát triển văn hóa và kinh tế mà còn phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, các dự án hỗ trợ phát triển nông thôn, và nhiều dự án khác nhằm xóa đói giảm nghèo tại các vùng khó khăn của tỉnh, bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ phụ nữ, trẻ em…
Đối với quan hệ hợp tác cấp tỉnh, trong 05 năm qua, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ hợp tác như: tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc), tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào), thành phố Linkoping (Thụy Điển); chủ động kết nối, xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài khác như: Thành phố Poitiers (Cộng hòa Pháp), tỉnh Lower Silesia (Cộng hòa Ba Lan), tỉnh Udon Thani (Vương quốc Thái Lan), tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc)… Tích cực duy trì, tăng cường mối quan hệ mật thiết với Đại sứ quán các nước (Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Italia, Thụy Điển, Canada, Trung Quốc…) tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA)…, trong đó có một số hoạt động hợp tác có liên quan đến pháp luật như:
- Triển khai thực hiện quy định của Luật Điều ước quốc tế, Luật Tương trợ tư pháp và các Công ước quốc tế liên quan đến hoạt động tư pháp như: Các Công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; phòng, chống tội phạm mua bán người; phòng, chống khủng bố; 10 Hiệp định về chuyển giao người bị kết án tù và 12 Hiệp định về dẫn độ. Công an tỉnh đã thực hiện 17 vụ, việc liên quan đến công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp đối với 13 vụ, việc có yếu tố nước ngoài.
- Hội Công chứng viên tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Lễ ký kết hợp tác công chứng với Hội đồng Công chứng Thành phố Rouen - vùng Normandie (Cộng hòa Pháp), hai bên nhất trí tăng cường việc hợp tác và trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật về công chứng, tổ chức các cuộc hội thảo về vấn đề liên quan đến pháp luật dân sự, thương mại, thừa kế và hôn nhân gia đình hằng năm. Một số hoạt động được thực hiện như tổ chức chương trình Hội thảo về Luật Thừa kế và Luật Hôn nhân gia đình so sánh giữa Việt Nam và Pháp, liên quan đến vấn đề thừa kế theo Luật Dân sự, vấn đề chủ thể hộ gia đình theo pháp luật Việt Nam, vấn đề chế độ tài sản vợ chồng, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng.
Ngoài ra cơ quan tư pháp của tỉnh đã cử nhiều lượt cán bộ tham dự các chương trình hợp tác quốc tế về tư pháp và cải cách tư pháp, các lớp tập huấn về triển khai các điều ước quốc tế, hiệp định song phương mà nước ta gia nhập hoặc ký kết.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng được nghiêm túc thực hiện, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong hoạt động phối hợp để có giải pháp khắc phục; đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ hợp tác, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không để các thế lực thù địch lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và địa phương.  
Có thể thấy, mặc dù hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: quy mô, nội dung hợp tác không lớn, chưa có nhiều nội dung cụ thể trực tiếp liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật, nội dung hợp tác còn mang tính sự vụ, hoặc mang tính trao đổi, thảo luận, ghi nhớ, chưa có định hướng mang tính chiến lược và dài hạn trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể và với từng đối tác hoặc nhóm đối tác dẫn đến việc chưa hình thành các hoạt động hợp tác cụ thể và có chiều sâu. Tuy nhiên các nội dung hợp tác đã có ý nghĩa tích cực trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển tình hữu nghị giữa các bên, phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước là tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới; là kinh nghiệm cần thiết để tỉnh Thái Nguyên xây dựng và hoàn thiện thể chế về pháp luật, cải cách tư pháp.
 
 

Tác giả bài viết: Đàm Huân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây