Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND”

Chủ nhật - 23/05/2021 01:35 929 0
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức vào ngày 23 tháng 5 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Để tổ chức cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và thực hiện pháp luật về bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và thực sự là ngày hội của toàn dân, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
 Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện Kế hoạch số 06/KH-UBBC ngày 18/02/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Nguyên về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 01/QĐ-UBBC ngày 05/02/2021 của Ủy ban bầu cử ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026,
Ngày 01 tháng 4 năm 2021, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-HĐPH về tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân” (sau đây gọi là Cuộc thi). Đồng thời ban hành Quyết định số 171/QĐ-HĐPH ngày  01/4/2021 Thành lập Ban Tổ chức và Tổ Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức cuộc thi đã ban hành Thể lệ Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân”; Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đã trực tiếp chỉ đạo thành viên Ban Tổ chức cuộc thi nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai Cuộc thi đồng thời ban hành văn bản phát động, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Để Cuộc thi lan tỏa rộng rãi trong xã hội, với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Tổ chức Cuộc thi triển khai tổ chức Cuộc thi trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch, thể lệ, Cuộc thi gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc thi như: Vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn, thuộc phạm vi quản lý tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi.  Đẩy mạnh công tác truyền thông về Cuộc thi trên các báo, Đài phát thanh - Truyền hình, Cổng/Trang Thông tin điện tử hoặc hình thức phù hợp khác; đăng tải đường link của Cuộc thi trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của sở, ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ quan, tổ chức; chủ động cập nhật tin, bài truyền thông về Cuộc thi và gửi về Ban Tổ chức để theo dõi, đăng tải trên trang chủ của Cuộc thi.
Các cơ quan truyền thông của tỉnh như Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, các đơn vị, địa phương có trang thông tin điện tử đã xây dựng chuyên mục, bài viết về cuộc thi, đặc biệt thông tin về việc tổ chức Cuộc thi trên địa bàn tỉnh, Thể lệ cuộc thi, Tài liệu tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan; một số quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực hưởng ứng cuộc thi, kịp thời có văn bản phát động và tổ chức hướng dẫn trực tiếp cách thức tham gia Cuộc thi đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, tiêu biểu như Ủy ban nhân dân thành phố Sông Công, Tỉnh đoàn Thái Nguyên, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo.... Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên cách thức dự thi. Trong đó khối trường học có số lượng cán bộ, giáo viên, sinh viên dự thi nhiều nhất, tiêu biểu là Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên; Trường Đại Ngoại ngữ; Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (huyện Đại Từ), các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh… 
Trong suốt quá trình tổ chức phát động cuộc thi, cơ quan thường trực của Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ những tập thể, cá nhân quan tâm đến Cuộc thi thông qua các kênh thông tin như điện thoại, trang thông tin điện tử hoặc trực tiếp gặp gỡ với cơ quan thường trực của Ban tổ chức cuộc thi để phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức, tham gia cuộc thi, đề nghị hướng dẫn, gợi ý về các nội dung như nguồn tài liệu tham khảo cũng như thông tin về kết quả cuộc thi. Điều đó cho thấy, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Cuộc thi đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau 20 ngày (từ 0h00 ngày 10/4/2021 đến hết ngày 30/4/2021) tổ chức Cuộc thi, với việc người tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet theo Bộ câu hỏi được thiết kế sẵn trong thời gian tối đa 20 phút/lần thi (gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu dự đoán số người tham gia trả lời đúng các câu hỏi). Hệ thống câu hỏi được xây dựng dễ hiểu với các vấn đề như: Nguyên tắc bầu cử, ngày bầu cử,  xử lý tình huống cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị COVID-19 .... Toàn tỉnh Thái Nguyên đã có tổng số 28.282 lượt người tham gia dự thi. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tốt việc phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và  nhân dân tích cực tham gia cuộc thi, do vậy nhiều đơn vị, địa phương có số lượng/tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên tham gia cuộc thi cao như: Khối các trường đại học, cao đẳng (8.200 lượt người), Khối các trường mầm non, trung học cơ sở (7.466 lượt người), Thành phố Sông Công (1.137 lượt người), Sở Tài Chính, Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Tư pháp, Văn phòng Tỉnh ủy...
Trên cơ sở kết quả chấm điểm, Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã trao 01 giải nhất, 03 giải nhì, 05 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các cá nhân; đồng thời trao 01 giải nhất, 01 giải nhì và 01 giải  ba cho tập thể đã tổ chức tốt công tác triển khai phát động cuộc thi và có nhiều bài dự thi đạt chất lượng cao, với tổng số tiền 40.000.000 đồng kèm theo Giấy Chứng nhận đạt giải của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Những bài được trao giải là những bài dự thi thật sự xứng đáng, thể hiện sự cầu thị, ham hiểu biết, nhiệt huyết và trách nhiệm công dân của người tham gia dự thi. Các đơn vị, tập thể có nhiều bài dự thi chất lượng tốt và được trao giải là: Giải nhất: Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, Giải nhì: Uỷ ban nhân dân thành phố Sông Công, Giải ba: Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh còn trao giải thưởng cho các cá nhân là Đoàn viên công đoàn tham gia cuộc thi và đạt giải.
Đánh giá chung, Cuộc thi được tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản và đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc thi đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kịp thời và rộng khắp, đặc biệt là làm tốt công tác công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi. Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, tích cực hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, thể hiện qua số lượng người dự thi lớn. Đối tượng tham dự cuộc thi đa dạng bao gồm những cá nhân ở nhiều lứa tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, dân tộc; cư trú ở khắp các địa bàn, vùng miền trên địa bàn tỉnh. Trong số 28.282 bài dự thi mà Ban Tổ chức Cuộc thi nhận được, có hàng nghìn bài dự thi trả lời đúng 10/10 câu hỏi trắc nghiệm mà Ban Tổ chức đưa ra. Việc tổ chức Cuộc thi bằng hình thức thi trực tuyến là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với phương thức sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn sẽ góp phần tích cực vào sự thành công của Cuộc bầu cử, là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả giúp nhân dân nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật và các thông tin mới của Cuộc bầu cử. Từ đó, lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại của cuộc thi, để các cuộc thi tổ chức theo hình thức trực tuyến tìm hiểu pháp luật trong thời gian tới đạt kết quả cao, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
- Trước hết, công tác thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, liên tục, sâu rộng, xuyên suốt cuộc thi để thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường thời lượng tuyên truyền về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử, các trang website của sở, ban , ngành, địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài Truyền thanh ở cơ sở.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai tổ chức cuộc thi kịp thời; giao chỉ tiêu về số lượng, chất lượng tham gia; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ở các đơn vị trực thuộc, phải tổ chức triển khai tốt ngay từ địa phương, cơ sở. Ngoài việc phát động cuộc thi rộng, các cơ quan, đơn vị cần nắm bắt, có hình thức động viên, khuyến khích kịp thời những người có tâm huyết với cuộc thi để hỗ trợ họ làm bài thi có chất lượng, góp phần quan trọng tạo nên thành công của cuộc thi.
 - Các cơ quan, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai, đặc biệt trong công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn cuộc thi.
Trên đây là báo cáo tổng kết cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân” do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thái Nguyên tổ chức./.
 

Tác giả bài viết: Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây