Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý

Thứ sáu - 20/11/2020 02:37 3.501 0
Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, tích cực thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; bảo đảm công bằng xã hội, mà còn tác động đến tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

 Truyền thông, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại xã Định Biên, huyện Định Hóa 

Trong những năm qua công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được triển khai hoạt động có hiệu quả, chú trọng về chất lượng, trong đó tập trung nâng cao sự phối hợp về công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Để triển khai các hoạt động TGPL, Trung tâm trợ giúp pháp lý luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của ngành và những yêu cầu thực tiễn để chủ động kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu giúp Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh (gọi tắt là HĐPH liên ngành) ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hoạt động, văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu quả. Lấy người được TGPL làm trung tâm, các hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL được triển khai thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được những kết quả tích cực:

Trong 2 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 95 đợt TGPL hướng về cơ sở, trong đó truyền thông và tư vấn pháp luật cho hơn 3000 lượt người tham dự, trực tiếp tư vấn pháp luật cho 408 đối tượng thuộc diện được TGPL tại các xã đặc biệt khó khăn. Trung tâm cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; lắp đặt các Bảng thông tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ; in và cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật cho người dân; đẩy mạnh truyền thông về quyền của người được TGPL, tổ chức và người thực hiện TGPL, các quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Trung tâm phối hợp với Báo Thái nguyên để truyền thông về các câu chuyện pháp luật. Công tác tiếp công dân tại trụ sở của Trung tâm được duy trì thường xuyên, bảo đảm 100% người thuộc diện TGPL có yêu cầu được trợ giúp pháp lý kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, Phòng Tư pháp; các tổ chức, đoàn thể địa phương như Sở Lao động- Thương binh, xã hội, Ban Dân tộc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…để thực hiện TGPL tại cơ sở và những chuyên đề TGPL cho những đối tượng Người Khuyết tật, Phụ nữ và Trẻ em, Người dân tộc thiểu số…, từ đó đã khẳng định chính sách TGPL đã đến gần hơn với người được trợ giúp pháp lý, người dân biết được đến hoạt động TGPL nhiều hơn, bảo đảm cho đối tượng TGPL được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí và có chất lượng.

Đối với TGPL trong hoạt động tố tụng, Trung tâm TGPL đã tham mưu giúp Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành trình Hội đồng ban hành và triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh theo từng năm, trong đó có kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trên địa bàn tỉnh; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác TGPL, xác lập cơ chế phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giữ, nhà tạm giam trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để thực hiện TGPL.

Trung tâm cũng đã phân công Trợ giúp viên pháp lý theo dõi địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để rà soát, xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý; ra quyết định cử người thực hiện TGPL phù hợp, tạo điều kiện cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ gúp pháp lý tham gia trong quá trình tố tụng. Từ năm 2019 đến  tháng 11/2020 Trung tâm TGPL đã phối hợp với các cơ quan tố tụng hai cấp trên địa bàn tỉnh cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng thuộc diện TGPL miễn phí với 582 vụ việc, số vụ việc được tăng lên đáng kể qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL của các Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được khẳng định, các quan điểm đề nghị của các Trợ giúp viên pháp lý trong các vụ án đã được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho đối tượng đặc biệt là các vụ án hình sự, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và trách hiệm giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị.

 Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động TGPL, Trung tâm TGPL thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức và người lao động, các kỹ năng TGPL trong hoạt động tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL. Đặc biệt, những kiến thức, cách tiếp cận, kỹ năng TGPL cho nhóm người yếu thế như: Người khuyết tật, trẻ em, người nhiễm HIV…. Tham gia các hội nghị tập huấn chuyên sâu với các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực Hình sự, Dân sự, Hành Chính, Đất đai do Cục TGPL (Bộ Tư pháp) tổ chức. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL.

Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Trung tâm TGPL nhà nước tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư liên tịch số 10/2018. Đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL, đặc biệt phối hợp với các cơ quan truyền thông như Đài Phát thanh -  Truyền hình tỉnh cung cấp các thông tin về đối tượng được TGPL tới các địa bàn xóm, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể triển khai có hiệu quả công tác TGPL, nhất là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cử người thực hiện TGPL, đảm bảo 100% người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện TGPL khi có yêu cầu được TGPL kịp thời, hiệu quả. Quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực thực hiện TGPL, đảm bảo đáp ứng tốt hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.

Lê Thúy Hằng- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay8,140
  • Tháng hiện tại229,171
  • Tổng lượt truy cập15,190,251
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây