Biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn - Những điểm mới quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Phòng PBGDPL
2022-09-29T00:30:41-04:00
2022-09-29T00:30:41-04:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/news/hoat-dong-pbgdpl-cap-tinh/bien-phap-xu-ly-hanh-chinh-giao-duc-tai-xa-phuong-thi-tran-nhung-diem-moi-quy-dinh-tai-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-344.html
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/news/2022_09/doi-tuong-ap-dung-bien-phap-giao-duc-tai-xa-phuong-thi-tran-418024.jpg
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Ngày 13/11/2020 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14). Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung tương đối toàn diện các nội dung của Luật XLVPHC năm 2012, bao gồm sửa đổi, bổ sung một số các quy định ở phần những quy định chung, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính và về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Trong đó, đối với các quy định về các biện pháp xử lý hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng, điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, các quy định khác liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện áp dụng, thủ tục lập hồ sơ biện pháp hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn cụ thể, như sau:
Về đối tượng áp dụng (Khoản 46 Điều 1): (1) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.(3) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.
(4) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.
(5) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Người thuộc các trường hợp (1), (2), (3), (4) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp (5) nêu trên mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp (5) nêu trên mà không có nơi cư trú ổn định thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý.(6) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm.
Như vậy, có thể thấy, đối với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật số 67/2020/QH14 có những điểm mới sau đây:
Một là, Luật số 67/2020/QH14 quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” để thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời quy định cụ thể độ tuổi của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm. Người chưa thành niên thuộc các trường hợp nêu trên sẽ được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình nếu có đủ các điều kiện: (i) Đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; (ii) Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; (iii) Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm.
Hai là, Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy). Quy định này xuất phát từ thực tiễn, hiện nay, pháp luật về XLVPHC chỉ quy định việc xử phạt đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) mà chưa có quy định việc áp dụng BPXLHC đối với cá nhân có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này.
Ba là, Luật số 67/2020/QH14 đã bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
Một trong những lý do dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên xuất phát từ quan điểm cho rằng, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp được áp dụng nhằm mục đích giáo dục, quản lý người vi phạm tại nơi cư trú nhưng lại được áp dụng đối với người nghiện ma túy là không phù hợp vì đây là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Thực tế triển khai thời gian vừa qua cũng cho thấy, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thực sự hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức; làm kéo dài thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy làm phát sinh thực trạng gây bất ổn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có quá nhiều người nghiện mặc nhiên sinh sống tại địa bàn dân cư mà không có biện pháp để quản lý hữu hiệu, gây nhiều nguy cơ rủi ro đối với cộng đồng.
Theo giải thích từ ngữ tại khoản 11 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, khoản 16, Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 và khoản 12 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thì người nghiện ma túy là “người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”. Do vậy, những người này cần phải được đưa vào cơ sở cai nghiện dưới sự giám sát chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền để kịp thời chữa bệnh, cắt cơn.
Về thủ tục lập hồ sơ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại khoản 4 Điều 97 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ quan đã lập hồ sơ phải gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời thông báo cho người bị áp dụng. Đối với người chưa thành niên thì còn được thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 97 Luật XLVPHC năm 2012 như sau:
“4. Cơ quan lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ; đối với người chưa thành niên thì còn phải thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo”.
Về quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại Khoản 1 Điều 98 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ và tổ chức cuộc họp tư vấn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì cuộc họp tư vấn với sự tham gia của Trưởng Công an cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến của mình về việc áp dụng biện pháp.
Luật số 67/2020/QH15 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 98 Luật XLVPHC năm 2012 quy định:
“1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 97 của Luật này, cơ quan lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 97 của Luật này gửi hồ sơ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn với sự tham gia của Trưởng Công an cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cùng cấp có liên quan, đại diện dân cư ở cơ sở. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến của mình về việc áp dụng biện pháp”.
Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL