Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ năm - 06/10/2022 00:08 416 0
Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật. Để thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần và đời sống pháp lý của người dân.
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Một trong những điểm mới quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là đã bổ sung vào tiêu chí thứ 18 “Hệ thống chính trị và pháp luật” tiêu chí thành phần 18.5 về “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý nhà nước, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Qua đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cũng như công tác thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg) và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 08/7/2017 của Bộ Tư pháp đã quy định tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí thành phần: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và Pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
Sau gần 05 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, đa số các đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhận thức được nhiệm vụ hàng năm để thực hiện theo đúng quy định. Các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên tại địa phương và triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã được niêm yết công khai khá đầy đủ, kịp thời. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính. UBND cấp xã đã thực hiện cập nhật, công khai thông tin pháp luật khá đầy đủ, kịp thời; ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức phù hợp. UBND cấp xã đã quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định. Các tổ hoà giải được công nhận, kiện toàn kịp thời. Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải kịp thời theo yêu cầu của các bên, hòa giải thành đạt tỷ lệ khá cao.Các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở được công khai, minh bạch; cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Kết quả của công tác triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 162/178 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 91%. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn cao như thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên, huyện Định Hóa
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thấp. Kinh phí bố trí để thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật còn hạn chế. Cơ sở vật chất tại một số đơn vị cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu; điểm số chấm đối với các chỉ tiêu chưa đạt số điểm theo quy định. Mặt khác, một số tiêu chí, chỉ tiêu và việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung một số chỉ tiêu còn chung chung, chưa cụ thể, khó triển khai trong thực tiễn, khó thu thập tài liệu kiểm chứng. Có chỉ tiêu quy định còn hình thức, chưa thực chất, mang tính định tính nên khó chấm điểm…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 22/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, thay thế Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thông tư 09/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp và có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 320/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, quy định nêu rõ nội dung xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới tại tiêu chí thành phần 18.4 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật và bổ sung nội dung tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới nâng cao tại tiêu chí 16; huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại tiêu chí thành phần 9.6 về hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công.
Để tạo cơ sở thực hiện đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật thống nhất trên cả nước, ngày 15/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1723/QĐ-BTP ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Theo đó, Tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 chỉ tiêu tương ứng với 100 điểm tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền huyện trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; triển khai công tác tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể như sau: Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật trên địa bàn; Công khai, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin; Ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên; Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính.
Có thể thấy, việc bổ sung tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện bảo đảm tính tương thích, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở và thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần nói chung và đời sống pháp lý của người dân. Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã./.

 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay13,419
  • Tháng hiện tại387,587
  • Tổng lượt truy cập10,519,731
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây