Nội dung thực hiện trong công tác Theo dõi thi hành pháp luật

Thứ ba - 18/10/2022 22:59 907 0
Mục đích và yêu cầu của công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Để xem xét, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng thi hành pháp luật, cần phải xem xét, đánh giá về những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thi hành pháp luật và những biểu hiện của tình hình thi hành pháp luật. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, thực trạng thi hành pháp luật được xem xét, đánh giá về 03 nội dung:
Nội dung thứ nhất, xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, việc xem xét, đánh giá về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo các nội dung: Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ của văn bản; tính khả thi của văn bản.
Đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ trong việc ban hành văn bản: Quy định về tính kịp thời đầy đủ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã được cụ thể hóa tại Điều 1 Thông tư số 14/2014/TT-BTP. Theo đó, việc xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản ở địa phương là xem xét, đánh giá về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính để đôn đốc, hướng dẫn, triển khai thực hiện, cụ thể đánh giá như sau:
- Đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc rà soát, lập dự kiến danh mục, việc ban hành chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản do Ủy ban nhân dân ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành (Hội đồng nhân dân cùng cấp);
- Đánh giá tính đầy đủ của văn bản so với số nội dung được giao;
- Đánh giá tiến độ của việc ban hành văn bản trên cơ sở so sánh với thời điểm dự kiến cần phải ban hành theo chương trình, kế hoạch;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản.
 Các bước thực hiện:
Thứ nhất, Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân (đối với cấp xã thì công chức cấp xã) có trách nhiệm xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thường xuyên cập nhật tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời rà soát nội dung quy định giao quyền trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp....
Mục đích của việc rà soát nhằm nắm được số lượng, hình thức và tên văn bản cũng như trách nhiệm của từng chủ thể trong việc ban hành văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chậm ban hành thì cần nêu rõ và đánh giá nguyên nhân chậm và đề xuất phương án xử lý.
 Thứ hai, rà soát, đối chiếu chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh), của cấp huyện và cấp xã (nếu có); Kế hoạch công tác của tỉnh, huyện, xã. Nội dung chương trình, kế hoạch nêu rõ số lượng, hình thức, tên văn bản cần được xây dựng, ban hành, thời hạn ban hành và trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành văn bản. Căn cứ vào các chương trình, kế hoạch nêu trên, các cơ quan theo dõi thi hành pháp luật nắm bắt được về số lượng, hình thức và tên văn bản chưa được ban hành và ban hành chậm tiến độ. Trên cơ sở đó đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư số 14/2014/TT-BTP. 
Thứ ba, qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, phát hiện và chỉ ra những quy định của pháp luật không thể thực hiện trên thực tế hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do các quy định pháp luật còn quy định chung chung, cần phải quy định cụ thể hơn thì mới có thể thực hiện trên thực tế. Ngoài những khó khăn, vướng mắc chung (như văn bản ban hành không đảm bảo tính khả thi; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; khó khăn trong đảm bảo nguồn lực thực hiện), đề nghị đánh giá những khó khăn vướng mắc mà nguyên nhân là sự phối hợp liên ngành để thực hiện chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo.
 Thứ tư, qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, chủ thể theo dõi thi hành pháp luật phát hiện và chỉ ra những văn bản quy phạm pháp luật hoặc những quy định pháp luật cụ thể không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi không cao, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục. Tính thống nhất, đồng bộ cần được xem xét từ khía cạnh nội tại trong hệ thống các văn bản được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; cũng như hệ thống văn bản này với các văn bản thuộc lĩnh vực khác có liên quan.
Đánh giá tính thống nhất, đồng bộ của văn bản: Việc xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản có thể dựa trên một số nguồn thông tin sau: Thông tin của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trực tiếp tổ chức thi hành văn bản; kết quả của hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; kết quả của hoạt động hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính; phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội…
Các bước thực hiện:
Thứ nhất, Việc xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở xem xét, đối chiếu các quy định của văn bản quy phạm pháp luật với các quy định của Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, bao gồm cả điều ước quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ nước Việt Nam ký hoặc gia nhập.
Thứ hai, Việc xem xét, đánh giá về tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên cơ sở:
- Xem xét, đối chiếu các nội dung của văn bản quy phạm pháp luật với nhau;
- Xem xét, đối chiếu các nội dung của văn bản quy phạm pháp luật với nội dung của văn bản quy phạm pháp luật khác do chính cơ quan nhà nước đó ban hành;
- Xem xét, đối chiếu các nội dung của văn bản quy phạm pháp luật với nội dung văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác cùng cấp ban hành.
Đánh giá tính khả thi của văn bản:Tương tự như khi xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật, khi xem xét đến tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta có thể dựa trên một số nguồn thông tin sau: Thông tin của các cơ quan, đơn vị trực tiếp tổ chức thi hành văn bản; Kết quả của hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Kết quả của hoạt động hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính; Phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội; Thông tin từ các văn bản góp ý, thẩm định, thẩm tra, các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến…
Theo Điều 3 Thông tư số 14/2014/TT-BTP, tính khả thi của văn bản được đánh giá trên cơ sở xem xét các nội dung cơ bản sau đây:
- Sự phù hợp của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán: Theo đó cần xem xét, đánh giá sự phù hợp của các cơ chế, chính sách quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đối với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phong tục tập quán, ý thức chấp nhận của người dân và các điều kiện thực tiễn thi hành các quy định đó.
- Sự phù hợp của các quy định của văn bản quy phạm pháp luật với các điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn tài chính để tổ chức đưa các quy định đó đi vào cuộc sống.
- Sự hợp lý của các biện pháp giải quyết vấn đề và chế tài xử lý: sự toàn diện của các biện pháp, sự tương xứng, hợp lý của các chế tài trong văn bản quy phạm pháp luật so với yêu cầu giải quyết vấn đề; mức độ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, sự hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể.
- Sự rõ ràng của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và trình tự, thủ tục thực hiện. Các quy định của văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân;
- Sự rõ ràng, cụ thể của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dễ hiểu và được áp dụng một cách thống nhất, thuận tiện khi thực hiện và áp dụng.
Khi xem xét, đánh giá tình hình xây dựng, ban hành văn bản thì cơ quan theo dõi cần xem xét, đánh giá, xác định rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó. Bên cạnh đó, cần có sự so sánh với các giai đoạn trước đó để làm rõ hơn, đồng thời có các đề xuất, kiến nghị các giải pháp.
Nội dung thứ hai, xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, việc xem xét, đánh giá về tình hình bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thi hành pháp luật được thực hiện theo các nội dung sau đây: Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật; Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật;  Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Về hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật: Tập huấn, phổ biến pháp luật được coi như là một công đoạn đầu tiên trong tổ chức thi hành pháp luật. Để một văn pháp quy phạm pháp luật hay một quy định pháp luật được thực thi trên thực tế, thì trước tiên văn bản và quy định đó phải được phổ biến để các cơ quan, tổ chức và cá nhân biết được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Thực tế tổ chức thi hành pháp luật cho thấy, công tác tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản mới được ban hành có vai trò rất quan trọng, nhằm hướng dẫn cán bộ, nhân dân thực hiện các quy định pháp luật một cách nghiêm chỉnh, chính xác và thống nhất. Tùy thuộc vào mục đích, đối tượng khác nhau, công tác tập huấn, phổ biến pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp và nội dung phù hợp. Hiệu quả của công tác tập huấn, phổ biến pháp luật phụ thuộc vào các phương pháp, hình thức, nội dung và đối tượng phổ biến pháp luật. Để đánh giá về công tác tập huấn, phổ biến pháp luật, cơ quan theo dõi thi hành pháp luật cần đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ và phù hợp của hoạt động này.
 Trong điều kiện nguồn lực có hạn, khuyến khích việc điều tra, khảo sát và tập trung chuyên sâu vào một số quy định để đánh giá mức độ chuyển biến và ảnh hưởng tích cực của công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật: Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành pháp luật luôn gắn liền với việc giao trách nhiệm thực hiện cho một tổ chức với nguồn nhân lực cụ thể. Tùy thuộc vào tính chất và khối lượng công việc mà có mô hình tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phù hợp.
Về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật: Theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thì kinh phí cho công tác theo dõi thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Xem xét, đánh giá các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BTP căn cứ các nguồn thông tin sau để làm cơ sở cho việc cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật: Kết quả hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Kết quả của hoạt động hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính; Phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội.
Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật là hoạt động rất quan trọng trong theo dõi thi hành pháp luật. Tính khách quan, chính xác của các thông tin có tính chất quyết định đến tính khách quan, chính xác của hoạt động xem xét, đánh giá về các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Xử lý kết quả theo dõi tình hình các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật: Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BTP quy định Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan phụ trách công tác tổ chức cán bộ và cơ quan phụ trách công tác tài chính cùng cấp tổng hợp, phân tích, xem xét các kiến nghị, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Nội dung xử lý kết quả theo dõi tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật gồm thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật.
Nội dung thứ ba, xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật
Nội dung yêu cầu: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, việc xem xét, đánh giá về tình hình tuân thủ pháp luật được thực hiện theo các nội dung sau đây: Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Điều 5 Thông tư số 14/2014/NĐ-CP, việc xem xét, đánh giá và xử lý thông tin tình hình tuân thủ pháp luật được quy định như sau:
“1. Căn cứ nguồn thông tin quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 2 Thông tư này, cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật như sau:
a) Phát hiện, lập danh mục các quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật chưa được cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thi hành kịp thời, đầy đủ, hướng dẫn chưa chính xác hoặc thiếu thống nhất; các quyết định áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền ban hành có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không bảo đảm tính chính xác; các vi phạm pháp luật phổ biến trong từng lĩnh vực cụ thể;
b) Đánh giá nguyên nhân của tình hình vi phạm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này theo các tiêu chí về nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguyên nhân khác;
c) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp để kịp thời tổ chức thi hành văn bản pháp luật đã có hiệu lực; xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn và áp dụng pháp luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, gửi cơ quan tư pháp cùng cấp để theo dõi, tổng hợp.
2. Cơ quan tư pháp phân tích, xem xét, tổng hợp các kiến nghị được quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý”.
Nội dung thực hiện:
- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền là thi hành các quy định của pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời. Việc thi hành pháp luật một cách chậm trễ và không đầy đủ của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Để đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc thi hành pháp luật, cơ quan thực hiện theo dõi thi hành pháp luật cần chỉ ra những quy định, những vụ việc cụ thể không được các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thi hành một cách kịp thời, đầy đủ, tìm ra nguyên nhân và kiến nghị các biện pháp khắc phục.
- Cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền áp dụng pháp luật thông qua việc ban hành các quyết định áp dụng pháp luật (bản án của Tòa án, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định hành chính khác của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền). Vì vậy, tính thống nhất, chính xác trong áp dụng pháp luật thể hiện ở tính thống nhất, chính xác của các quyết định hành chính được ban hành. Để đánh giá tình hình áp dụng pháp luật, các cơ quan thực hiện theo dõi thi hành pháp luật cần thu thập các thông tin về việc ban hành các quyết định áp dụng pháp luật, trong đó cần chỉ ra cụ thể các quyết định của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, các quyết định không bảo đảm tính chính xác theo quy định; các quyết định áp dụng pháp luật không đảm bảo quyền lợi của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
- Tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, công dân có thể được xem xét, đánh giá thông qua nhiều tiêu chí và yếu tố khác nhau, song việc đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật rõ ràng, cụ thể và chính xác nhất là thông qua việc xem xét, đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật là phải nắm bắt được các thông tin, số liệu về tình hình vi phạm pháp luật, mức độ vi phạm, các loại hành vi vi phạm pháp luật điển hình nổi lên trong từng thời kỳ, tìm ra nguyên nhân của tình hình vi phạm, từ đó đưa ra kiến nghị về các giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các thông tin này chỉ được sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật sau khi đã được đối chiếu, kiểm tra và khẳng định về tính chính xác, khách quan.
Ví dụ: Quy định điển hình có mức độ tuân thủ cao: Theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, thì từ ngày 15/9/2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và kể từ ngày 15/12/2007, người điều khiển, mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường quốc lộ đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Quy định điển hình có mức độ tuân thủ thấp:Theo Điều 6, thông tư 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị cháy và chữa cháy quy định ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Trong quá trình xem xét, đánh giá, đề nghị tập trung vào các quy định có mức độ tuân thủ thấp; nêu, đánh giá nguyên nhân (chẳng hạn do quy định của pháp luật  không khả thi, do yếu kém trong tổ chức thi hành, do chưa đáp ứng yêu cầu thực tế hoặc nguyện vọng của số đông người dân…) đồng thời đề xuất biện pháp xử lý./.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay7,549
  • Tháng hiện tại206,930
  • Tổng lượt truy cập15,168,010
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây