Tháo gỡ vướng mắc trong việc đăng ký khai tử cho người chết đã lâu

Thứ ba - 16/08/2022 21:22 1.607 0
Luật Hộ tịch năm 2014 và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch có quy định cụ thể về việc đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử như sau:
“1. Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.”

Quá trình thực hiện, cơ quan đăng ký hộ tịch ở cơ sở vẫn còn lúng túng do không xác định được rõ những “giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết” là những giấy tờ nào nên đã phần nào ảnh hưởng đến tính kịp thời và quyền lợi của công dân có nhu cầu đăng ký hộ tịch.

Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 02/12/2020, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp đã có văn bản số 1195/HTQTCT-HT hướng dẫn cụ thể về cách xác định các loại giấy tờ chứng minh sự kiện chết và biện pháp nghiệp vụ để thiết lập hồ sơ đăng ký khai tử cho người chết đã lâu. Cụ thể, đối với trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết (ví dụ: hồ sơ, lý lịch cá nhân đi học, đi làm do cơ quan, đơn vị học tập, công tác quản lý, xác nhận, biên bản xác minh tai nạn, giấy chứng nhận mai táng, hợp đồng hỏa táng, văn bản xác nhận của chính quyền, công an địa phương…), các giấy tờ, tài liệu này cần được cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh chặt chẽ, đảm bảo thông tin đúng sự thật.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử chỉ cung cấp được các giấy tờ như: gia phả dòng họ, giấy tờ tùy thân của người chết (nếu có); ảnh bia, mộ người chết; văn bản xác nhận của người làm chứng về các thông tin liên quan đến người chết, sự kiện chết; nếu các thông tin này được cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh, khẳng định được tính xác thực, có lập biên bản xác minh thì có thể vận dụng coi là căn cứ để thực hiện việc đăng ký khai tử./.
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Vân Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay13,912
  • Tháng hiện tại272,775
  • Tổng lượt truy cập15,540,715
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây