Trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong xã hội

Chủ nhật - 01/08/2021 22:00 723 0
Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thái Nguyên, là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính, vói tổng số gồm 179 xã, trong đó có 125 xã vùng cao và miền núi, còn lại là các xã đồng bằng và trung du nhiều xã, thị trấn trong tỉnh có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn,… Dân số Thái Nguyên khoảng 1,2 triệu người, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống đó là: Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu, H’mông, Sán chay, HoaDao. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đồng bào sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng cao xa các trung tâm độ thị. Cùng với địa bàn rộng, tình hinh an ninh, trật tự xã hội phức tạp, nhu cầu tìm hiểu về pháp luật rất lớn. Công tác truyền thông, tư vấn pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại xã vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn trong những năm qua rất có ý nghĩa, giúp bà con nâng cao hiểu biểu pháp luật, từ đó tích cực chấp hành các quy định, đóng góp vào hoạt động của địa phương.
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hơn 30 chuyến tư vấn và trên 70 đợt truyền thông pháp luật cho hàng nghìn người tại các xã nghèo, xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: Lắp bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; in và cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật cho người dân...  Trợ giúp pháp lý miễn phí là chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các đối tượng được trợ giúp gồm: Người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Đây đều là đối tượng chính sách, người yếu thế có điều kiện tiếp cận pháp luật hạn chế nên khi truyền thông chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nội dung chính xác nhưng dễ hiểu nhất. Trong các buổi truyền thông, chúng tôi dành nhiều thời gian giải đáp thắc mắc với từng sự việc cụ thể, giúp bà con hiểu tường tận hơn các quy định của pháp luật.
Ngoài công tác truyền thông, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm thụ lý 829 vụ việc, trong đó tư vấn pháp luật hơn 201 vụ việc, tham gia tố tụng 671 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 22 vụ việc. Các vụ việc được thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm chỉ định đã tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp. Qua đó góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng.
Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo tại miền núi, vùng cao, khu vực đặc biệt khó khăn ngày càng tăng; yêu cầu về chất lượng, tính chuyên nghiệp của công tác trợ giúp cũng ngày càng cao. 
Để công tác TGPL ngày càng hoạt động hiệu quả hơn nữa, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Trung tâm đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt, truyền thông sâu rộng hơn nữa về nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện TGPL qua đó nâng cao chất lượng vụ việc TGPL.
Thứ ba, tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng; Tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng hoạt động TGPL.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây