Thái Nguyên: Những khó khăn, vướng mắc và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021

Thứ ba - 03/08/2021 23:35 1.274 0
Thực hiện Công văn số 5141/VPCP-KTTH ngày 28/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021.
Thông qua việc thẳng thắn đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã các định những khó khăn chung của địa phương do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới; nhiều hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa, cung ứng thương mại, dịch vụ và hoạt động văn hóa, xã hội bị gián đoạn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh và mục tiêu nhiệm vụ chính trị đề ra. Công tác phòng chống dịch Covid gặp trở ngại do năng lực xét nghiệm SARS-Co-V2 còn thấp, mới đạt khoảng 1500 mẫu đơn/ngày. Thiếu các trang thiết bị như máy Realtime-PCR, máy tách chiết AND/ARN để nâng công suất xét nghiệm. Một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch cho cán bộ, người làm nhiệm vụ phòng chống dịch chưa được quy định cụ thể đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đặc biệt là sản xuất nông lâm nghiệp, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Trước tình hình đó, để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 như sau:
1. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
2. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài
Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; tập trung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án ODA; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; chủ động hỗ trợ hiệu quả, thiết thực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo thẩm quyền.
4. Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ.
5. Đẩy mạnh đổi mới trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư. Kịp thời có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh kích cầu, phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách.
6. Tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách đảm bảo thu đúng, thu đủ; có giải pháp tăng thu ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách vừa đảm bảo đáp ứng thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo tiết kiệm, giảm tối đa kinh phí không cần thiết. Làm tốt công tác bình ổn giá, tăng cường công tác đấu tranh và xử lý đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
7. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 bảo đảm sát với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
8. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, trong đó thực hiện tốt công tác lập, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm không bố trí đầu tư dàn trải, gắn với các mục tiêu ưu tiên theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ.
9. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tiến độ, chất lượng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản và môi trường.
10. Thực hiện tốt các chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số
Đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2021-2022. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, có hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp (trực tuyến, từ xa...), thích ứng với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19.
11. Tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm thời vụ; chủ động có phương án tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn.
12. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác kiểm tra luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng, tập huấn, huấn luyện theo kế hoạch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh…
13. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp ngay tại địa phương, cơ sở.
14. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Để đồng hành với các giải pháp của địa phương, tỉnh Thái Nguyên đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, đề nghị Chỉnh phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng và cung cấp thông tin về định hướng làm cơ sở để các tỉnh kịp thời, chủ động trong triển khai xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo tính liên kết, thống nhất, hiệu quả.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc - xin phòng bệnh Covid-19 để tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc - xin phòng bệnh Covid-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế; tổ chức tiêm ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp tập trung... trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ quy định về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó: Quan tâm, xem xét bổ sung một số chế độ đặc thù cho nhóm cán bộ thực hiện nhiệm vụ sàng lọc, phân luồng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các thành viên tham gia các Chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch; các thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng để phần nào hỗ trợ, động viên kịp thời trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như: Có chính sách giảm phí đường bộ, hỗ trợ lãi vay ngân hàng, giãn thời hạn trả nợ gốc đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, giúp đơn vị có thể tồn tại, duy trì hoạt động qua thời gian khó khăn.
Với trách nhiệm của một địa phương đang trên đà phát triển với những thuận lợi và khó khăn đặc thù, tin tưởng rằng tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm vượt qua  những khó khăn, vướng mắc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay9,559
  • Tháng hiện tại118,519
  • Tổng lượt truy cập15,079,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây