Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021

Thứ ba - 03/08/2021 03:51 708 0
Chiều 27/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Với 472/476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,59% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Theo nội dung của Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 được điều chỉnh như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp); Điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Bên cạnh đó, nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, bao gồm:
Tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): Trình Quốc hội thông qua: 05 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết (Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nếu có).
Ngoài ra, cũng tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), trình Quốc hội cho ý kiến: 05 dự án luật (Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn).
Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): Trình Quốc hội thông qua: 04 dự án luật (Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn); Trình Quốc hội cho ý kiến: 02 dự án luật (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2)).
Trong công tác tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; không đề nghị bổ sung dự án ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không có trong Chương trình, dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về hồ sơ theo quy định.
Cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị.
Bộ Tư pháp phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm khoa học, hợp lý, cân đối và có sự chuẩn bị tiếp nối phù hợp cho năm tiếp theo; thẩm định; tham mưu, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ về hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm đầy đủ, chất lượng trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng pháp luật; chủ động cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách có nội dung bất cập hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nâng cao chất lượng, tính phản biện trong các báo cáo thẩm tra; tăng cường giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật của Quốc hội; dành thời gian thỏa đáng để tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; nâng cao chất lượng tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết;.../.
 

Tác giả bài viết: Ma Thị Huyền Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Hôm nay7,924
  • Tháng hiện tại228,955
  • Tổng lượt truy cập15,190,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây