TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN- HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NÊN NGHIÊN CỨU NHÂN RỘNG

Thứ hai - 19/07/2021 23:14 1.544 0
Các hình thức làm việc trực tuyến hiện không còn xa lạ đối với đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt trong 2 năm gần đây khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động xã hội và quản lý hành chính nhà nước đã được triển khai dưới hình thức này với những hiệu quả rất tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ xã hội cũng như quan hệ hành chính được triển khai. Tuy nhiên qua theo dõi thông tin trên hệ thống báo chí cũng như báo cáo tổng hợp những năm gần đây của Bộ Tư pháp cho thấy hình thức trực tuyến áp dụng cho hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai phổ biến trên bình diện toàn quốc cũng như đối với tỉnh Thái Nguyên, thực tế này cho thấy cần có sự nghiên cứu đầy đủ để đánh giá và áp dụng hình thức này.
Theo quy định tại Điều 11, 13, 14 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật thì hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến chưa được quy định cụ thể mà mới quy định chung việc sử dụng nền tảng Internet và chủ yếu bằng hình thức đăng tải các văn bản, thông tin pháp luật và  xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục. Do vậy việc triển khai hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hội nghị trực tuyến chưa được triển khai với mức độ như là một hình thức chính thức và phổ biến.

Đ/c Lương Hữu Phước-Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đầu tháng 7 vừa qua, trong chương trình triển khai tập huấn công tác Tư pháp theo Kế hoạch số 33/KH-STP ngày 07/7/2021, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thị xã Phổ Yên triển khai tuyên truyền những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính  và tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng hình thức hội nghị trực tuyến thông qua điểm cầu trung tâm tại thị xã Phổ Yên và 18 điểm cầu của các xã, phường trên địa bàn thị xã với gần 130 đại biểu tham gia tại các điểm cầu.
Qua quan sát thực tế quá trình hội nghị và phản ánh từ 18 điểm cầu cho thấy không gian, thời gian triển khai hội nghị được đảm bảo; nội dung tuyên truyền, tập huấn được triển khai đầy đủ, các đối tượng tiếp nhận thông tin được triệu tập có mặt đúng giờ và tham gia đầy đủ suốt quá trình diễn ra hội nghị; các yếu tố tạo tâm lý lây lan (như nói chuyện và làm việc riêng) được hạn chế; các yếu tố tiêu cực khác tác động trực tiếp từ người nghe đối với người nói không xuất hiện đã tạo tâm lý tốt cho người nói, đặc biệt là khả năng tập trung tư duy thuyết trình. Bên cạnh đó với sự thay đổi hình ảnh bằng các thao tác chuyển đổi hình ảnh trên màn hình của các điểm cầu cũng tạo hiệu ứng kích thích sự theo dõi của người nghe song song với việc duy trì cơ bản thời gian xuất hiện của nội dung bài giảng, đối với người nói vẫn có được khả năng giao tiếp với người nghe trong quá trình nói, đặc biệt trong phần giải đáp nên tâm lý thuyết trình vẫn được đảm bảo về cơ bản. Đối với các yếu tố về kỹ năng thuyết trình khác tác động đến chất lượng tuyên truyền như: ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm, xúc cảm, tình cảm, âm thanh, hình họa vẫn được thể hiện đầy đủ  trong quá trình tuyên truyền trực tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này cũng cho thấy có những hạn chế nhất định mà trước tiên đây là hình thức chưa phổ biến nên lý thuyết cũng như thực tế về phương pháp chưa được tổng kết và tập huấn cho các đối tượng tham gia đặc biệt là các Báo cáo viên, vì vậy đối với những báo cáo viên chưa có kinh nghiệm do chưa có kỹ năng độc thoại (nói với màn hình), không được giao tiếp trực tiếp với người nghe và nhận tác động tích cực từ người nghe (giao tiếp bằng ngôn ngữ của mắt) nên còn gặp nhiều lúng túng, thậm chí tạo tâm lý ức chế cũng như hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ và việc logic nội dung khi thuyết trình. Đối với người nghe, tâm lý giao tiếp gián tiếp cũng có ảnh hưởng nhất định đặc biệt là tính tập trung tư duy, bên cạnh đó nếu các điều kiện đảm bảo về cơ sở hạ tầng và hệ thống đường truyền không tốt thì thông tin hình ảnh và âm thanh sẽ không được đảm bảo và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tuyên truyền. Ngoài ra hình thức này còn có hạn chế nữa đó là chỉ áp dụng được với những đơn vị, địa phương có cơ sở hạ tầng để tổ chức các điểm cầu.
Từ những vấn đề trên, thiết nghĩ trong thời gian tới Bộ Tư pháp cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá để có thể xây dựng bộ lý thuyết khung về kỹ năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến để có thể phát huy cao nhất những ưu điểm của hình thức này đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để có thể triển khai trên toàn quốc đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như thời gian qua. Bên cạnh đó Bộ Tư pháp cũng cần nghiên cứu và hướng dẫn hình thức này thông qua các trang mạng xã hội như Zalo để có thể tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến đến người dân./.
 

Tác giả bài viết: Đinh Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây