Nghĩ về quy tắc ứng xử trên mạng và trách nhiệm của mỗi cá nhân

Thứ ba - 13/07/2021 02:55 1.117 0
Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Có thể nói, trong thời đại công nghiệp 4.0, khi các mạng xã hội phát triển rầm rộ thì sự tiếp cận, chào đón nồng nhiệt của nhiều thế hệ người dùng với nhiều phân tầng tri thức khác nhau là điều dễ hiểu. Trên thực tế, điều này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực và cả những hệ quả vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều góc độ khác nhau.
Các chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội đã cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội “không chỉ là 'áo giáp' để chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với 'con người' đúng nghĩa, mà còn tạo ra sự bình đẳng cho số đông”[1]. Tuy nhiên, “áo giáp” đó có giá trị bảo vệ như nào còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, sự thẩm thấu từng quy tắc đối với mỗi người dùng khi chấp nhận tham gia vào sân chơi rất rộng, đa chiều của các mạng xã hội hiện nay.
Bàn về vấn đề này, năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ 01/01/2019). Khi đó nhiều người, trong đó có tôi, đã rất kỳ vọng vào một môi trường “mạng xã hội” trong sạch, an toàn cho các thế hệ người dùng ở nước ta nhờ những chế tài được quy định trong Luật, trong giai đoạn chúng ta nhận thức rõ những tác động của thời kỳ hội nhập, khi cả thời cơ và nguy cơ đều là những thách thức đối với nước ta. Nhưng cũng có thể vì nhiều lý do khác nhau, xuất phát từ quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế, những khác biệt về văn hóa… nên các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật An ninh mạng đến nay vẫn chưa được thông qua. Sự chậm trễ này cũng đã khiến cho môi trường mạng ở nước ta không ít lần bị ô tạp với vô số những thông tin, vụ việc bị mang lên đàm luận với sự chia sẻ tràn lan vô cùng khủng khiếp, gây hậu quả khó lường… Do hệ thống văn bản hướng dẫn Luật chưa hoàn thiện nên trên thực tế, khâu xử lý của chúng ta luôn lúng túng, thiếu tính thống nhất, kịp thời và chưa thực sự hiệu quả.
Để có thể trước mắt bảo vệ những người sử dụng mạng xã hội lành mạnh khi “kiến trúc thượng tầng” (Luật An ninh mạng) còn đang ở tầm vĩ mô, việc ra đời Bộ Quy tắc ửng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất cần thiết để kịp thời phát huy tác dụng ở khuôn khổ “hạ tầng” khi Luật đã có nhưng chưa được thể chế thành các quy định hướng dẫn kịp thời.
Bộ Quy tắc ứng xử đã rất quyết liệt khi xây dựng các quy tắc có tính cơ bản như: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Quy tắc lành mạnh; Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm, hay những quy định nhằm định danh chính xác được người dùng mạng… Các chuyên gia nghiên cứu đã có lý khi khẳng định rằng Bộ quy tắc không chỉ là “áo giáp” để phòng ngừa và đủ sức chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với “con người” đúng nghĩa, mà còn có tác dụng rất lớn trong tạo ra sự bình đẳng cho số đông, bảo vệ chính những người vốn đã sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh nhưng vô tình trở thành yếu thế trước những người không tuân thủ luật. Trong một chừng mực nào đó, Bộ Quy tắc giúp mỗi chúng ta cần thực sự tỉnh táo, có kiến thức khi tham gia các tranh luận trên mạng xã hội để không rơi vào tình huống giống như cách mà một nhà nghiên cứu nói rằng “nếu bạn tham gia vào một cuộc ném bùn với mục đích giữ cho mình sạch thì bạn đã thua ngay từ đầu”[2].
Tôi cũng là một trong số những người dùng mạng xã hội trong nhiều năm gần đây, đã từng sử dụng những tiện ích và hiệu ứng tích cực của mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp về cuộc sống, các giá trị văn hóa và cả những mục tiêu, nhiệm vụ công việc khi được giao, tuy chỉ ở mức độ hẹp. Nhưng cá nhân tôi thấy rõ sức ảnh hưởng vô cùng to lớn của mạng xã hội; điều đó càng trở nên tuyệt vời đối với những thông tin tích cực, chính nghĩa và cực kỳ khủng khiếp đối với luồng thông tin xấu, có mục tiêu xấu nhằm hủy hoại, bôi nhọ thanh danh, uy tín của một cá nhân hoặc tổ chức nào. Nó để lại hệ lụy vô cùng tiêu cực cho các đối tượng có liên quan, trực tiếp và gián tiếp. Do đó, việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng cũng đã phần nào định hướng nghiêm túc về việc mỗi một cá thể người dùng đều phải có trách nhiệm đối với mạng xã hội mà mình đang tham gia, chấm dứt tư duy “có thể làm bất cứ điều gì muốn/thích trên mạng xã hội mà không ai có quyền cấm cản hoặc xử lý”. Đó chính là cơ sở để hình thành một môi trường mạng trong sạch, an toàn với những thông tin “tử tế”, phát ngôn “tử tế’ của những cuộc đối thoại văn minh. Về khía cạnh khác, tôi không đồng tình với tư tưởng trốn tránh, tránh xa mạng xã hội để “khỏi vướng phiền phức” như một vài ý kiến bởi không thể không thừa nhận rằng, mạng xã hội là xu thế phát triển thông tin mà chúng ta không thể đứng ngoài. Do đó, thay bằng việc từ bỏ những tác động tích cực của nó để tìm kiếm sự an toàn hạn hẹp thì cần chủ động tiếp cận bằng những phương pháp, tư duy phù hợp, thậm chí bằng cả bản lĩnh tri thức của bản thân mình, phát huy các giá trị vốn có của văn minh nhân loại để tạo môi trường giao tiếp văn hóa – xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Để triển khai nội dung này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 2984/UBND-KGVX ngày 29/6/2021 về việc quán triệt triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng . Theo đó, giao cho các sở, ngành, địa phương phải kịp thời triển khai, tổ chức nghiên cứu các nội dung về quy tắc ứng xử để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể nhận thức, thẩm thấu cho bản thân và truyền tải nội dung các quy tắc đến những người xung quanh. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh theo dõi, đánh giá việc thực hiện Bộ Quy tắc này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
 
[1] Theo Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm (Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: ‘Áo giáp’ bảo vệ người dùng)
[2] Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES).

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Hôm nay17,115
  • Tháng hiện tại600,950
  • Tổng lượt truy cập10,085,030
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây