Sự thiếu thống nhất về thẩm quyền áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội – Bộ Tư pháp cần xem xét, kiến nghị xử lý

Thứ năm - 08/07/2021 03:23 968 0
Thời gian gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên và nhiều địa phương trong cả nước rất lúng túng trong việc triển khai các quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội (mức 360.000 đồng/tháng) theo các quy định của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 13/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (có hiệu lực từ 01/7/2021), khoản 2 Điều 4 quy định: “2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác”.
Như vậy Nghị định có cơ chế giao cơ quan có thẩm quyền (quy định tại khoản 3) được điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội so với mức 360.000 đồng/tháng theo quy định của Chính phủ. Theo đó, tại khoản 3 Điều 4 nghị định giao thẩm quyền như sau: “3. Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:
a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này;
b) Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.”.
Quy định trên giao nhiệm vụ cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định: i) mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng với mức chuẩn 360.000 đồng/tháng[1]; ii) mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn 360.000 đồng/tháng; iii) các đối tượng khó khăn khác cần được trợ giúp xã hội trên địa bàn nhưng chưa được quy định tại Nghị định.
Tuy nhiên, theo Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 20/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ 08/8/2021) quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 về trách nhiệm của UBND tỉnh: “b) Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ; quyết định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;”.
Điều này được hiểu rằng về mức chuẩn trợ giúp xã hội, theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH, UBND tỉnh chỉ trình HĐND cùng cấp trong trường hợp xem xét trình mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn 360.000 đồng/tháng. Quy định này được hiểu nếu áp dụng mức chuẩn 360.000 đồng/tháng thì UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng trực tiếp và không phải trình HĐND tỉnh thông qua.
Như vậy, rõ ràng đã có sự khác nhau trong quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH về thẩm quyền quyết định áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội ở mức tối thiểu 360.000 đồng/tháng và trách nhiệm trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua, kể cả trường hợp áp dụng mức chuẩn tối thiểu. Sự quy định thiếu thống nhất đó đã khiến cho việc tham mưu trình HĐND cấp tỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội ở nhiều địa phương không kịp thời, thiếu thống nhất. Đặc biệt, trước khi có Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có văn bản số 245/BTXH-CSBTXH ngày 25/5/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ trình HĐND cấp tỉnh khi quyết định mức chuẩn cao hơn mức chuẩn tại Nghị định.
Với trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện vấn đề và xác định trường hợp trên phải áp dụng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP để  trình theo khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 về áp dụng văn bản QPPL: “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”.  Theo đó, việc áp dụng mức chuẩn tối thiểu cũng cần được báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định để đảm bảo chính sách, quyền lợi cho các đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật, thiết nghĩ Bộ Tư pháp cần kịp thời nghiên cứu, trao đổi với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kịp thời triển khai áp dụng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định về hiệu lực tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
 
[1] Việc quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng hoặc cao hơn mức chuẩn của Chính phủ tác động trực tiếp đến tổng mức trợ giúp xã hội được hưởng theo các quy định về hệ số tại Điều 6, 20, 25 của Nghị định.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay12,660
  • Tháng hiện tại365,904
  • Tổng lượt truy cập10,498,048
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây