Hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý

Thứ năm - 08/07/2021 03:54 1.084 0
Ngày 25/05/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thông tư gồm 4 Chương và 12 Điều hướng dẫn cụ thể về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi thực hiện vụ việc (sau đây gọi tắt là Thông tư). Đồng thời, Thông tư cũng ban hành kèm theo 03 Phụ lục để quy định về các mức khoán chi vụ việc; 02 mẫu bảng kê thời gian thực tế, bảng kê các công việc. Sau đây xin giới thiệu về một số điểm mới của Thông tư như sau:
Thông tư này hướng dẫn về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Thông tư bổ sung đối tượng áp dụng là Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; Sở Tư pháp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời gian theo buổi làm việc thực tế
Về cách xác định buổi làm việc, Thông tư quy định: Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc không đủ 04 giờ thì  tính như sau: (i) Tính thành ½ buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 03 giờ; (ii) Tính thành 01 buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ từ đủ 03 giờ trở lên.
So với quy định hiện hành, về cơ bản, Thông tư kế thừa quy định còn phù hợp. Tuy nhiên, quy định này được rà soát, chỉnh lý lại để bảo đảm dễ hiểu, rõ ràng hơn. Thông tư bổ sung nội dung liên quan đến cách thức kê thời gian làm việc: Khi áp dụng cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và thời gian thực hiện các công việc vào Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu TP - TGPL- 01) ban hành kèm theo Thông tư này.
Tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc tham gia tố tụng
So với các quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP, thời gian tham gia tố tụng được kế thừa một phần những quy định còn phù hợp, đồng thời cũng sửa đổi cơ bản bảo đảm các quy định rõ ràng và dễ áp dụng hơn. Thông tư điều chỉnh cách thức quy định theo hướng quy định rõ ràng các căn cứ tính thời gian, thời gian bị hạn chế, xác nhận thời gian. Với cách quy định này, Thông tư sẽ bảo đảm được áp dụng rõ ràng, thuận lợi hơn, phù hợp với tính chất, vụ việc trong từng vụ việc cụ thể, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của người thực hiện khi thực hiện trợ giúp pháp lý. Cụ thể như sau:
 Thông tư quy định cụ thể đối với các hoạt động dù áp dụng tính thời gian theo buổi thực tế nhưng thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bị hạn chế thời gian theo hình thức khoán tại Khoản 2 các Điều 4, Điều 5 và Điều 6:
Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm e, g, h và l khoản 1 Điều này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này (Điều 4);
Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm g, h, i và m khoản 1 Điều này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. (Điều 5);
Thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc quy định tại các điểm g, h, i và m khoản 1 Điều 5 Thông tư này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc tương ứng tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này (Điều 6)
Thông tư cũng tách các quy định về xác nhận thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý thành một khoản riêng và có những điều chỉnh về cơ quan, tổ chức, cá nhân xác nhận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc xác nhận thời gian làm việc.
Xác định thời gian làm việc theo buổi làm việc trong một số trường hợp đặc biệt
Thông tư quy định xác định thời gian trong một số trường hợp đặc biệt bao gồm: Trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc theo quy định của pháp luật; Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án; Trường hợp thay thế, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý; Trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội ở thời điểm bắt, tạm giữ người, bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng.
Khoán chi vụ việc
Thông tư quy định hình thức khoán chi vụ việc chỉ áp dụng đối với vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn bằng văn bản ngay sau khi được phân công và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc thì căn cứ các công việc thực tế của mỗi người thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi tương ứng nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.
Trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý bị truy tố 02 tội danh trở lên trong cùng một vụ án thì mức khoán chi vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
- Nếu 02 tội danh có khung hình phạt thuộc 02 loại tội phạm khác nhau, căn cứ các công việc thực tế đã thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi áp dụng đối với vụ việc có khung hình phạt thuộc loại tội phạm cao hơn nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.
- Nếu 02 tội danh có khung hình phạt thuộc cùng 01 loại tội phạm, căn cứ các công việc thực tế đã thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi áp dụng đối với vụ việc đó nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.
Khoán chi vụ việc trong một số trường hợp đặc biệt
Về cơ bản quy định về khoán chi trong một số trường hợp đặc biệt được giữ nguyên so với quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP nhưng có sự chỉnh sửa phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn áp dụng. Một số trường hợp được Thông tư  đưa các ví dụ cụ thể nhằm giúp cho việc áp dụng được thống nhất, hiệu quả hơn.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2021.
 

Tác giả bài viết: Ma Thị Huyền Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây