Quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ ba - 07/12/2021 22:16 1.285 0
Ngày 04/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47/2021/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Quy định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và không áp dụng bắt buộc đối với căn hộ trong nhà chung cư, nhà ở tập thể không bắt buộc áp dụng quy định này.
Theo đó, một số nội dung đáng chú ý tại như:
- Về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở
hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ): Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...) ở nơi dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ. Việc đun nấu trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, như việc sử dụng bếp sử dụng khí LPG, bếp điện, bếp dầu phải đáp ứng các yêu cầu rất cụ thể, ví dụ như: bếp sử dụng khí LPG phải bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, thông thoáng, cách xa thiết bị điện, không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...; bếp điện phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bếp dầu phải bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu, không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, tắt bếp sau khi sử dụng…Mỗi nhà ở riêng lẻ khuyến khích trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình.

- Về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
+ Quy định các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy ngay từ khi thiết kế, thi công xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh như: Vật liệu xây dựng, trang trí nội thất phải là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Không lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy; khoảng cách tối thiểu từ các chất dễ cháy đến các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện như: bóng đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện... tối thiểu 0,5m; Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng một lúc; khi sạc các thiết bị tích điện (ắc quy xe đạp điện, xe máy điện, quạt tích điện…) phải có người trông coi, không được sạc trong một thời gian dài, không sạc qua đêm…
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có các giải pháp thoát nạn phù hợp khi có cháy, nổ xảy ra: Bố trí ít nhất 02 lối thoát nạn (chiều rộng thông thủy tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m) phân tán nhau trong nhà. Cửa chính của nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề; Đối với nhà chỉ có 01 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: ra ban công các tầng, thoát nạn trên sân thượng ra các nhà xung quanh; Nhà dạng nhà ống, ban công hoặc lô gia có khung sắt, lồng sắt bảo vệ phải bố trí cửa mở ra ngoài tạo lối thoát nạn thứ 2 khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
+ Quy định an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt: Không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh có chứa chất, hàng dễ cháy; Khu vực bếp nấu phải để xa các vật liệu dễ cháy ít nhất 0,7m, nếu có tấm cách nhiệt ngăn cháy thì được phép để gần hơn, nhưng không dưới 0,2m. Trường hợp trong nhà có sử dụng thiết bị tiêu thụ LPG: tất cả các thiết bị điện trong nhà phải lắp đặt cách bình LPG tối thiểu 1,5m; lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas; Khi điều kiện sản xuất, kinh doanh có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải bố trí cách các vật liệu dễ cháy, các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy (ô tô, xe máy...) ít nhất 0,7m, nếu có tấm cách nhiệt ngăn cháy thì được phép để gần hơn, nhưng không dưới 0,2m...
+ Quy định trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy: Đối với khu vực kinh doanh, sản xuất phải trang bị số lượng bình chữa cháy đảm bảo diện tích bảo vệ theo quy định của mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng. Khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20m. Trang bị, lắp đặt, sử dụng hệ thống cảnh báo cháy nhanh; thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; thiết bị cứu nạn cứu hộ (đèn pin, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây cứu nạn…) để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2021.
 

Tác giả bài viết: Đàm Huân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây