VẬN DỤNG LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thứ ba - 30/11/2021 22:59 1.361 0
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy "Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho". Người cũng nói rõ để làm dân vận thì phải “Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ; phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm...Theo Bác "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân..." đều là những người làm công tác dân vận.
Suy nghĩ về những điều Bác dạy trong công tác dân vận có thể thấy việc vận dụng những lời dạy ấy của Người vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đem lại những giá trị to lớn. Tuy nhiên, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là một nội dung rất rộng và phong phú cả về nội dung và hình thức. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập một số khía cạnh về mối quan hệ giữa dân vận và phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tuyên truyền miệng và cũng chỉ đề cập đến một vấn đề đó là làm thế nào để vận dụng lời dạy của Bác vào hoạt động tuyên truyền miệng pháp luật?

Như chúng ta đã biết, nói một cách đơn giản nhất thì phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động đưa thông tin pháp luật đến người chưa có thông tin pháp luật theo nhu cầu của họ hoặc theo yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội thậm chí là nhu cầu quản lý của mỗi gia đình. Có rất nhiều hình thức đưa thông tin pháp luật để thực hiện hoạt động đó, mỗi hình thức đều có những lợi thế cũng như hạn chế nhất định và tuyên truyền miệng là một trong các hình thức đó.
  Tuyên truyền miệng đề cập trong bài viết này là hình thức người nói trực tiếp đưa các thông tin pháp luật đến với người nghe với mục tiêu giúp người nghe có được những thông tin pháp luật, do đó như trên đã đề cập các thông tin pháp luật được đưa đến người nghe không chỉ để phục vụ nhu cầu của họ nên trong trường hợp để thực hiện yêu cầu quản lý nhà nước, xã hội và gia đình thì để làm cho người nghe có thể tiếp nhận các thông tin pháp luật mà chúng ta đưa ra là việc làm không hề đơn giản vì có thể và chủ yêu các thông tin pháp luật trong trường hợp này người nghe chưa có hoặc không có nhu cầu, ngược lại vì mục đích của các nhà quản lý nên chúng ta lại muốn họ tiếp nhận và hơn thế nữa tiếp nhận để họ thực hiện.
  Với quan sát của bản thân qua nghe hàng trăm người tuyên truyền pháp luật, tôi thấy khá nhiều Báo cáo viên, thuyết trình viên, giảng viên chỉ tập trung đưa ra các thông tin pháp luật, thậm chí đọc nguyên văn Slide hoặc nội dung các quy định pháp luật mà rất ít có các phân tích, giải thích nội hàm của các quy định đó cũng như không hề quan tâm đến nhu cầu của người nghe nên chất lượng các buổi tuyên truyền đó khiến cá nhân tôi và nhiều người nhận thấy không đáp ứng được nhu cầu của người nghe cũng như yêu cầu của công tác tuyên truyền pháp luật.
  Vậy làm thế nào để kích thích được nhu cầu của người nghe,giúp người nghe tiếp thu được nhiều nhất thông tin pháp luật mà người nói đưa ra?
  Theo tôi, trước tiên chúng ta phải biết kích thích nhu cầu của họ và đây chính là áp dụng lời dạy của Bác về dân vận với nội dung Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ…”  tức là giải thích cho người nghe biết và hiểu được tại sao lại cần ban hành Luật đó, Luật đó điều chỉnh về vấn đề gì, đem lại lợi ích gì cho người dân, đất nước và xã hội (hay nói cách khác là cung cấp và giải thích để người nghe hiểu được mục đích ban hành luật, vị trí tầm quan trọng của luật trong đời sống xã hội), tiếp đó mới có thể thông tin về các quy định của pháp luật, trong giai đoạn thứ hai này chúng ta cần cung cấp các quy định của pháp luật cho người nghe nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không thể mong đợi người nghe tiếp nhận các thông tin mà vấn đề quan trọng là phải giải thích, phân tích cho họ thấy được, hiểu được: Tại sao lại quy định như vậy? Quy định như vậy để làm gì? Ai phải thực hiện các quy định đó?  Để thực hiện được các quy định đó thì phải làm gì? Làm như thế nào? Thực hiện thì sẽ được gì? Nếu không thực hiện thì sẽ bị làm sao?....khi chúng ta giải thích được toàn bộ các câu hỏi này thiết nghĩ sẽ có tác động rất lớn đến việc hình thành nhu cầu của người nghe.
  Bên cạnh đó, trong quá trình phân tích, giải thích nội dung tuyên truyền, yêu cầu chúng ta cần phải có những ví dụ, dẫn chứng thực tế về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực chúng ta đang tuyên truyền vì để thuyết phục được người nghe và làm cho người nghe nhớ được thông tin chúng ta tuyên truyền thì yêu cầu phải lồng nghép một cách khéo léo, logic, khoa học giữa thông tin pháp luật với các ví dụ, dẫn chứng để làm nổi bật nội dung thông tin hay nói cách khác là tạo “điểm nhấn” cho tư duy của người nghe, tất nhiên các ví dụ, dẫn chứng này cần gần gũi, sát với nội dung tuyên truyền và phải làm toát lên được bản chất của vấn đề, hơn thế nữa là phải phản ánh được tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực đang tuyên truyền. Không những vậy, trong quá trình tuyên truyền chúng ta luôn phải coi trọng người nghe, lấy người nghe làm trung tâm và cần phải biết lắng nghe phản hồi của họ-sự lắng nghe này là một tính chất rất đặc thù của nghề “nói” nói chung và nghề tuyên truyền miệng pháp luật nói riêng, cách lắng nghe ở đây trước tiên là chúng ta tạo ra không gian giao tiếp giữa người nói và người nghe (phương pháp đối thoại, trao đổi), đặt ra các câu hỏi và nghe, giải thích các câu hỏi của người nghe để bổ sung nội dung bài nói hoặc phân tích, giải thích rõ hơn về những vấn để đã nói…thay vì phương pháp độc thoại, phương pháp này sẽ giúp kích thích tâm lý lắng nghe nhiều hơn, bên cạnh đó lắng nghe ở đây còn là vừa nói vừa quan sát các biểu hiện của người nghe để phán đoán tâm lý người nghe qua đó có thể điều chỉnh phương pháp, âm lượng, tốc độ hoặc thậm chí là nội dung nếu phát hiện phản ứng tiêu cực từ người nghe…đây chính là cách mà chúng ta vận dụng lời dạy của Bác về dân vận với nội dung “…khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích…;”
  Cùng với vấn đề trên, thì sau mỗi buổi tuyên truyền chúng ta cần biết lắng nghe phản hồi từ người nghe, từ người tổ chức chương trình và tự thân chúng ta cũng cần tự kiểm điểm lại “bài nói” từ nội dung cho đến phương pháp và các yếu tố khác để có thể kịp thời rút kinh nghiệm, thậm chí chúng ta cần phải xin ý kiến nhận xét của người nghe để tìm ra những điểm chưa đạt và phát huy những điểm tích cực cho các lần tiếp sau… hay nói cách khác chính là “…hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân…khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm...” theo lời dạy của Bác.
  Như vậy có thể thấy, Dân vận và Tuyên truyền miệng pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tuyên truyền miệng pháp luật chính là một kênh của công tác dân vận và do vậy việc vận dụng lời dạy của Bác vào công tác tuyên truyền miệng pháp luật thực sự sẽ đem lại những giá trị đặc biệt giúp người tuyên truyền hoàn thiện bản thân và đạt được mục đích tuyên truyền để xứng đáng là những người “đưa pháp luật về với Nhân dân”./.
 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay12,316
  • Tháng hiện tại35,848
  • Tổng lượt truy cập15,303,788
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây