Triển khai công tác năm 2022: Tỉnh Thái Nguyên đề xuất 05 giải pháp

Thứ ba - 21/12/2021 05:56 1.872 0
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 21/12 với sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo. Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Thái Nguyên đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác Tư pháp năm 2022 và những năm tiếp theo.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2022 tỉnh Thái Nguyên
Cũng như các địa phương trong cả nước, năm 2021 là năm đầu tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công 5 năm 2021-2025...” được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đánh giá sơ bộ đến đầu tháng 12/2021, đã có 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước); nhiều chỉ tiêu tăng trưởng bứt phá như: giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu vượt kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại; tổng thu ngân sách năm 2021 ước tính đạt 16.750 tỷ đồng, vượt 4.516,7 tỷ đồng (đạt 137%) so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 1.150 tỷ đồng (đạt 107%) so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động VH-XH tiếp tục được duy trì; chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,65%, còn 2,17%.
Thái Nguyên cũng đã trở thành tỉnh đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với đảng bộ, chính quyền của tỉnh như chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS đều đạt thứ hạng cao. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định.
Trong điều kiện tiếp tục chống chọi với dịch bệnh, những kết quả trên là tổng lực của sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo đồng bộ, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên được đánh giá đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND đối với lĩnh vực công tác Tư pháp nói riêng và hoạt động, chỉ đạo điều hành của chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói chung. Nhiều nhiệm vụ Sở Tư pháp được giao đã có kết quả cụ thể, trong đó tập trung cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện chuyển đổi số như: chủ trì rà soát các vướng mắc, bất cập trong hệ thống thể chế liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư, kinh doanh để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn, phần mềm đấu giá công trực tuyến, xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Thái Nguyên và trang fanpage PBGDPL; tham gia nghiên cứu các vấn đề pháp lý và xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện; nghiên cứu và thẩm định các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục khó khăn và có nhiều thách thức để bước vào giai đoạn thích ứng sâu hơn với dịch bệnh song song với giải pháp phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội. Trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành vì thế đều trở nên nặng nề hơn. Với tinh thần đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp trong năm 2022 và các năm tiếp theo như sau:
Một là, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp bằng các biện pháp điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời như đã và đang được thực hiện; chú trọng nghiên cứu, đánh giá phản biện để có cơ sở ban hành những quyết sách đặc thù trong phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện mới, tình hình mới.
Hai là, hệ thống pháp luật do Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành là cơ sở pháp lý không thể thiếu cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý, điều hành; pháp luật có đầy đủ, thống nhất, khả thi thì việc điều hành, dẫn dắt, tổ chức thực hiện mới hiệu quả. Do đó, cùng với kết quả rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, còn vướng mắc, bất cập, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tích cực tham mưu, ưu tiên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; bảo đảm tiến độ, chất lượng sửa đổi, bổ sung các VBQPPL theo Danh mục tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; góp phần thực hiện Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội; tạo điều kiện cho các địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện pháp luật.
Ba là, cần tăng cường nguồn lực con người và kinh phí cho các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp trước tình trạng việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao; các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp (như Phòng Công chứng, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Trung tâm trợ giúp pháp lý) đang đứng trước khả năng phải giải thể đối với những tổ chức không đủ điều kiện về biên chế tối thiểu; cần sửa đổi kịp thời quy định về tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn địa phương; đồng thời có cơ chế cụ thể, phù hợp hơn trong việc bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp trong bối cảnh có nhiều việc cấp bách và khối lượng công việc ngày một lớn hơn.
Bốn là, tỉnh Thái Nguyên hiện đánh giá cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số trên một số lĩnh vực; tuy nhiên, chuyển đổi số chỉ thực sự có hiệu quả bền vững, phát huy tối đa công năng của nền tảng số khi có sự đồng đều, đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực và từng khâu kết nối. Cùng với việc ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thống nhất quan điểm, phương châm và tạo nguồn lực để có thể đồng bộ chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng tâm của ngành như xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, quản lý hoạt động công chứng, đấu giá, thi hành án, tổ chức trợ giúp pháp lý, quản lý hộ tịch…
Hiện nay để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, cán bộ tư pháp địa phương đang phải thực hiện đồng thời 3 việc: nhập dữ liệu vào phần mềm của Bộ; nhập dữ liệu vào phần mềm của tỉnh và vào sổ giấy, dẫn đến mất rất nhiều thời gian của cán bộ cơ sở. Vì vậy đề nghị Bộ Tư pháp có giải pháp tích hợp, liên thông các dữ liệu trên để thuận tiện cho việc giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương.
Năm là, đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp để nâng cao chất lượng tham mưu, năng lực xử lý các tình huống pháp lý thực tiễn, đảm bảo cho ngành Tư pháp các địa phương xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chuyên môn ở các cấp đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu cao về tuân thủ, thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả bài viết: Vũ Thị Lệ Hằng- Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây