Một số vấn đề chung về công tác Theo dõi thi hành pháp luật

Thứ tư - 05/10/2022 23:58 415 0
Xây dựng và thi hành pháp luật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cho đến nay, nhìn một cách toàn diện, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, gần 200 luật, pháp lệnh điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chất lượng các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các văn bản pháp luật ngày càng được bảo đảm. Những thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước (Điều 96); Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ  lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật ( Điều 98); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc (Điều 99); Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, tổ chức thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Điều 114).
Mục đích của việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định 5 nguyên tắc theo dõi thi hành pháp luật, gồm: Khách quan, công khai, minh bạch; Thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; Kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn;  Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định; Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân.
Trong các nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thì nguyên tắc “Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật, không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định” được xác định là nguyên tắc quan trọng, cần được quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi vì, xuất phát từ thực tiễn, có nhiều hoạt động của các cơ quan nhà nước có sự trùng lặp và chồng chéo, điều này gây lãng phí về nguồn lực, không mang lại hiệu quả cao, thậm chí còn hạn chế lẫn nhau giữa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, nguyên tắc “Thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm” cũng được đặt ra bởi lẽ việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật một cách dàn trải là rất khó thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả do thiếu tính tập trung.
Phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Uỷ ban nhân dân các cấp được quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, đó là: Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công. Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, tại các văn bản pháp luật khác cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đối với cấp tỉnh: Trách nhiệm theo dõi thi hành: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình ở địa phương. Trách nhiệm tham mưu thực hiện: Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công; thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thi hành pháp luật theo quy định gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, công chức pháp chế (bộ phận Thanh tra hoặc Văn phòng) của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh còn phải tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ- CP đã nêu ở trên.
Đối với cấp huyện: Trách nhiệm theo dõi thi hành: Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình ở địa phương.Trách nhiệm tham mưu thực hiện: Cơ quan chủ trì: Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Đối với cấp xã: Trách nhiệm theo dõi thi hành: Uỷ ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình ở địa phương.Trách nhiệm tham mưu thực hiện: Cơ quan chủ trì: Công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý của địa phương. Cơ quan phối hợp: Công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với công chức Tư pháp- Hộ tịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Trong giai đoạn hiện nay, sự tham gia của xã hội vào công tác quản lý nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng và mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực. Dư luận xã hội và các thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật trong nhiều trường hợp đã có những đóng góp quan trọng, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của nhà nước, cũng như trong việc thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh, thống nhất. Thực tiễn cho thấy, công tác theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, điều này dẫn đến kết quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa thật sự bảo đảm tính khách quan./.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay15,554
  • Tháng hiện tại567,720
  • Tổng lượt truy cập10,699,864
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây