XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Nguyễn Thùy Dương
2021-12-21T04:26:34-05:00
2021-12-21T04:26:34-05:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/huong-dan-nghiep-vu/xac-dinh-tham-quyen-ap-dung-cac-hinh-thuc-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-bien-phap-khac-phuc-hau-qua-115.html
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/tai-lieu-tuyen-truyen/2021_11/l-xlvphc-copy.jpg
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Nguyên tắc xác định thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các Điều từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1, Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
- Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều từ Điều 39 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.
Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện,
Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.
+ Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
Kỹ năng xác định thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Thẩm quyền áp dụng trong từng vụ xử lý vi phạm cụ thể phụ thuộc vào quy định trong từng Nghị định về từng hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tương ứng cho từng hành vi vi phạm đó, phụ thuộc vào quy định về các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả được quyền áp dụng của từng chức danh có thẩm quyền xử phạt.
Khi xác định thẩm quyền, cần căn cứ theo:
- Loại việc: Nghĩa là căn cứ theo lĩnh vực quản lý nhà nước để xác định hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào, từ đó xác định thuộc thẩm quyền xử lý của những chức danh nào theo quy định của từng Nghị định về xử phạt, xử lý vi phạm hành chính.
Ví dụ: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định ở Nghị định 102/2014/NĐ-CP, theo các Điều 31, 32, 33 Chương III Nghị định này, thẩm quyền xử phạt, xử lý thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra chuyên ngành đất đai và một số chức danh khác; vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định ở Nghị định 176/2013/NĐ-CP, thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra Y tế…
- Hình thức xử phạt được quy định cho từng chức danh: Đây là trường hợp vi phạm một trong lĩnh vực đã xác định nhưng cần xem thuộc thẩm quyền theo hình thức phạt và mức phạt với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt trong nhóm chủ thể quản lý.
Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an, Hải quan...; thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp nào, của cán bộ Hải quan, cán bộ Thuế đang thi hành công vụ hay các chức danh khác của các cơ quan Hải quan, Thuế...
- Lãnh thổ, địa bàn: Nguyên tắc chung: Hành vi vi phạm bị phát hiện tại địa phương nào thì cơ quan chức năng ở địa phương đó xử lý.
- Theo giá trị tang vật: Ví dụ các trường hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai...
* Các bước để xác định thẩm quyền:
(i) Xác định hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào;
(ii) Tìm văn bản pháp luật và quy định pháp luật tương ứng trong văn bản pháp luật đó làm căn cứ đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cụ thể;
(iii) Đối chiếu quy định về hành vi để xác định hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng hành vi đó;
(iiii) Đối chiếu quy định về thẩm quyền của các chức danh được áp dụng các hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đó để xác định thuộc thẩm quyền của chức danh nào.
Ví dụ: Ông A có hành vi chiếm đất của xã. Để xác định thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc hậu quả cần:
- Tìm quy định tương ứng trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về hành vi chiếm đất.
- Xác định diện tích, loại đất bị chiếm, từ đó xác định giá trị đất bị chiếm - là căn cứ để xác định hình thức phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
- Xác định các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tương ứng với hành vi này là gì.
Với hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả đó thì thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh giải quyết.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy Dương