Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

Thứ hai - 24/05/2021 04:12 1.040 0
Giai đoạn 2011 - 2020, mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt từ năm 2015 đến nay là giai đoạn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao hơn so với bình quân chung của cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm trên 2%/năm, đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều chính sách phát triển, củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng. Tương ứng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội thì yêu cầu xây dựng pháp luật trong giai đoạn này là tập trung vào hoàn thiện các thể chế về tổ chức, bộ máy, cán bộ, cải cách hành chính, hoàn thiện các thể chế về đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh về mọi mặt.
Trước yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ, đã đặt ra yêu cầu xây dựng  đội ngũ cán bộ có trình độ, khả năng tham mưu xây dựng chính sách, văn bản pháp luật. Chính vì vậy việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trong giai đoạn này là cần thiết và phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh. Tuy nhiên những vướng mắc trong thực tế thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, chưa phát huy được mục tiêu mà Nghị định số 55/2011/NĐ-CP hướng tới.
Sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 24/10/2011 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011. Kế hoạch đã đặt ra yêu cầu thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do tỉnh quản lý; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, các DNNN đóng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, phổ biến nội dung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tới công chức và người lao động trong đơn vị.   
Hằng năm, công tác Pháp chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành tư pháp đưa vào kế hoạch và được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt. Từ năm 2015 đến nay, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch riêng về công tác pháp chế, từ đó chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của đội ngũ công chức pháp chế. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3622/UBND-NC ngày 14/12/2015 chỉ đạo kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó có đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017, cơ bản các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh thành lập được Phòng Pháp chế, đồng thời thực hiện kiện toàn, sắp xếp biên chế cho Phòng Pháp chế trong số biên chế được giao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.  
Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định s 55/2011/NĐ-CP cũng được quan tâm thực hiện, từ năm 2011 đến nay ngành tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong đó có nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ công chức pháp chế. Hằng năm, kết quả công tác pháp chế được Sở Tư pháp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở; báo cáo kết quả công tác pháp chế được gửi cho các sở, ngành, UBND cấp huyện làm tài liệu thống kê, tuyên truyền về hoạt động của đội ngũ công chức pháp chế.
Công tác quản lý nhà nước về pháp chế được giao cho Sở Tư pháp chủ trì thực hiện. Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiện toàn tổ chức, công chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức pháp chế. Sở Tư pháp đã xây dựng cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng văn bản QPPL, cuốn “Thông tin văn bản pháp luật” và “Thông tin Pháp luật và Doanh nghiệp” cấp phát định kỳ, làm tài liệu cho đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ xây dựng chính sách tham khảo, áp dụng trong thực tiễn; ngoài ra đội ngũ công chức pháp chế cũng thường xuyên chủ động trao đổi, tham vấn, phối hợp với các Phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết các công việc kịp thời. Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, hằng năm UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, để kiểm tra về tổ chức và hoạt động, vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trực thuộc trong củng cố, phát huy vài trò của đội ngũ công chức pháp chế. 
Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý đội ngũ công chức pháp chế và Sở Tư pháp được thực hiện chủ yếu thông qua thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của công chức pháp chế và thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, báo cáo, kiểm tra. Tuy nhiên do chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm, vì vậy chưa hình thành được tổ chức có hệ thống và có mối quan hệ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, từ đó sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với Sở Tư pháp - cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao đã ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như triển khai nhiệm vụ thống nhất từ trung ương đến tỉnh.
Kết quả đạt được
Về tổ chức và đội ngũ ngưòi làm công tác pháp chế
- Tình hình thành lập tổ chức pháp chế: Theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, số các sở phải thành lập Phòng Pháp chế là 14 đơn vị, đến năm 2016, tỉnh Thái Nguyên thành lập được 02 Phòng Pháp chế, tuy nhiên các phòng đã thành lập đều không thực hiện duy nhất nhiệm vụ pháp chế mà phải còn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác (Phòng Thanh tra - Pháp chế thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Pháp chế - Tin học thuộc Sở Tài chính). Năm 2017, khi thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh không còn tổ chức cấp phòng có tên “pháp chế”, toàn bộ đội ngũ công chức pháp chế được bố trí hoạt động kiêm nhiệm; ngày 26/2/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 451/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, theo đó Sở Giáo dục và Đào tạo có phòng Phòng Chính trị, tư tưởng và Pháp chế. Như vậy đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 01 Phòng Pháp chế và có công chức chuyên trách thực hiện công tác pháp chế, các cơ quan chuyên môn còn lại bố trí công chức thực hiện kiêm nhiệm công tác pháp chế.
- Về đội ngũ người làm công tác pháp chế: Tỉnh Thái Nguyên hiện có 18 công chức làm công tác pháp chế, trong đó 05 công chức chuyên trách (thuộc Phòng Chính trị, tư tưởng và Pháp chế, Sở Giáo dục và Đào tạo) và 13 công chức kiêm nhiệm bố trí ở đủ 14 cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Về trình độ chuyên môn: Theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì công chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên, tuy nhiên trong 18 công chức pháp chế, chỉ có 01 người có trình độ chuyên môn Luật, số còn lại đều có trình độ đào tạo Đại học trở lên ở các ngành lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, một số cơ quan ngoài 14 cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cũng bố trí công chức kiêm nhiệm công tác pháp chế.
Về hoạt động của các tổ chức pháp chế
- Công tác xây dựng văn bản pháp luật:
Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đội ngũ công chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tham gia, phối hợp với các bộ phận chuyên môn tham mưu cho thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác xây dựng dự thảo văn bản QPPL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý trình cấp có thẩm quyền ban hành; nhiệm vụ chủ yếu của công chức pháp chế là giúp rà soát, đảm bảo thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản, hoàn thiện hồ sơ, tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản, các nội dung được giao chủ trì tham mưu xây dựng văn bản pháp luật chưa nhiều. Sự tham gia của công chức pháp chế, tuy còn có những hạn chế nhất định nhưng phần nào đã góp phần cho hoạt động xây dựng văn bản của HĐND, UBND tỉnh ngày càng chất lượng hơn; từ năm 2011 đến nay các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành 707 văn bản QPPL (181 văn bản của HĐND; 526 văn bản của UBND).
- Công tác rà soát, xử lý sau kiểm tra, rà soát và hệ thng hóa văn bản QPPL: Công chức pháp chế là đầu mối thực hiện nhiệm vụ rà soát, xử lý văn bản sau kiểm tra, rà soát và hệ thng hóa văn bản QPPL ở địa phương, đã từng bước thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động này, với trung bình trên 60 lượt văn bản QPPL được rà soát hằng năm. Đặc biệt công chức pháp chế tham gia tích cực tại các kỳ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL: năm 2011 thực hiện tổng rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành (giai đoạn 2004 - 2011) với 612 văn bản QPPL được rà soát, hệ thống hóa; năm 2014, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ đầu (thời điểm đến ngày 31/12/2013) đã rà soát, hệ thống hóa 508 văn bản QPPL; năm 2018, thực hiện rà soát, hệ thống hóa kỳ 2014 - 2018 với 897 văn bản QPPL được rà soát, hệ thống hóa (kiến nghị xử lý 100 văn bản). Tuy nhiên hoạt động rà soát thường xuyên còn chưa kịp thời, chưa có nhiều hoạt động rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực được thực hiện; kết quả, hiệu quả rà soát văn bản, còn phụ thuộc vào hoạt động rà soát của cơ quan tư pháp.   
Việc xử lý văn bản sau kiểm tra, rà soát văn bản được công chức pháp chế thực hiện thông qua hoạt động theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các phòng chuyên môn, tuy nhiên vẫn còn văn bản không còn phù hợp chậm được xử lý; hoạt động báo cáo kết quả rà soát thực hiện chưa đầy đủ và chưa kịp thời.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Trên cơ sở Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hằng năm, công chức pháp chế đã chủ động tham mưu cho thủ trưởng đơn vị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản pháp luật được tổ chức, công dân quan tâm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của các đơn vị và các văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành. Tuy nhiên số lượng, chất lượng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn chế, chưa có nhiều công chức pháp chế có thể trực tiếp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm hành chính: Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư số 03/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và chỉ đạo của Bộ Tư pháp về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch công tác theo dõi thi hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành đã chủ động thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý của ngành mình, tập trung chủ yếu ở các nhiệm vụ như việc theo dõi thực hiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, tình hình thực hiện thủ tục hành chính, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên công tác theo dõi, thi hành pháp luật chưa thực sự toàn diện, thiếu chiều sâu, các sở, ngành chủ yếu thực hiện theo lĩnh vực trọng tâm, chuyên đề theo kế hoạch chung của tỉnh mà chưa chủ động thực hiện đầy đủ các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý.
- Công tác xử lý vi phạm hành chính: Do một số cơ quan bố trí công chức thuộc Thanh tra Sở kiêm nhiệm công tác pháp chế, vì vậy việc tham mưu xử lý vi phạm hành chính cũng như kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu quả, góp phần đảm bảo quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực ngành quản lý được thực thi nghiêm túc.
- Công tác bồi thường nhà nước: Công chức pháp chế ngành được giao là đầu mối theo dõi, quản lý, triển khai các quy định về bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của đơn vị. Những năm qua, tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước.
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công chức pháp chế tham mưu cho lãnh đạo đơn vị phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý thuộc trách nhiệm của ngành như: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức như tổ chức các hội nghị tuyên truyền luật, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua việc thực hiện các thủ tục hành chính, tổ chức các lớp tập huấn; thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn, hướng dẫn của bộ phận trực tiếp giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp, xây dựng các chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên Trang thông tin của các sở, ngành; cập nhật, công bố kịp thời, đầy đủ văn bản QPPL… Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự tham gia và chất lượng tham mưu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, một phần do công chức pháp chế phần lớn không có chuyên ngành luật.
- Công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng: Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, tình hình khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng ngày càng tăng, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, có nguy cơ trở thành bức xúc, điểm nóng, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng; đã có nhiều vụ việc công dân khiếu kiện cơ quan hành chính nhà nước ra Tòa án nhân dân. Từ năm 2011 đến nay đã có trên 60 vụ việc khiếu kiện hành chính, trong đó có 53 vụ việc trong lĩnh vực đất đai. Đội ngũ công chức pháp chế ngành cũng đã tích cực chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở tham gia các hoạt động tố tụng, các hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành.
- Công tác đánh giá tác động của thủ tục hành chính: Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 đã hạn chế chính quyền địa phương ban hành thủ tục hành chính, tuy nhiên trong thực tiễn, một số thủ tục hành chính do địa phương ban hành cần phải sửa đổi và cần có hoạt động đánh giá tác động của thủ tục hành chính chủ, việc đánh giá thủ tục hành chính được cán bộ pháp chế tham mưu thực hiện đầy đủ và đạt yêu cầu đề ra.
- Hoạt động pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh: Đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, qua theo dõi, quản lý của Sở Tư pháp, các đơn vị hầu hết không có tổ chức pháp chế hoặc không cử cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách, một số ít bố trí cán bộ pháp chế dưới hình thức kiêm nhiệm do đó thông tin về hoạt động rất hạn chế.
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế dù chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tuy nhiên đã từng bước được kiện toàn, triển khai thực hiện phù hợp theo yêu cầu của công tác cải cách, đổi mới tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước và hoạt động quản lý công chức. Kết quả hoạt động của đội ngũ công chức làm công tác pháp chế đã phần nào giúp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Tồn tại, vướng mắc
Những điểm bất cập trong thể chế
- Thời điểm trước khi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực: Quy định về việc thành lập Phòng pháp chế chưa thống nhất, cụ thể là tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có quy định thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoặc bố trí cán bộ chuyên trách, tuy nhiên văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không quy định về việc thành lập Phòng Pháp chế; 
- Hiện nay theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức của sở trên cơ sở đảm bảo theo tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở; theo đó với tiêu chí về khối lượng công việc và số biên chế tối thiểu của phòng thuộc sở và với số biên chế trong điều kiện cắt giảm biên chế hiện nay, không thể thành lập phòng chuyên môn thực hiện riêng nhiệm vụ pháp chế, thậm chí việc chỉ bố trí một (01) công chức pháp chế chuyên trách cũng rất khó khăn. Do đó quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại Nghị định s 55/2011/NĐ-CP là không còn phù hợp, đồng thời quy định về công chức chuyên trách công tác pháp chế, trong khi không có hướng dẫn cụ thể việc bố trí ở phòng chuyên môn nào cũng dẫn đến việc thực hiện chưa thống nhất, khó khăn cho việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó một số quy định tại Nghị định s 55/2011/NĐ-CP còn có những điểm bất cập, khó thực hiện như quy định về tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế (hiện chưa có quy định nào vê chế độ của người làm công tác pháp chế), quy định việc quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với đội ngũ người làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương.
Nhng khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế
- Hiện nay đa số công chức pháp chế không có chuyên môn luật, trong khi các nhiệm vụ cần triển khai cần phải có người có trình độ pháp luật nhất định do đó việc triển khai nhiệm vụ còn lúng túng, chưa đầy đủ;
 - Sự phối kết hợp giữa pháp chế của các cơ quan chuyên môn, giữa cán bộ pháp chế với các bộ phận khác ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị khi tiến hành thực hiện các nhiệm vụ theo quy định như: Xây dựng, rà soát, kiểm tra hoặc tuyên truyền phổ biến các văn bản…. còn rất hạn chế do còn có sự khác biệt lớn giữa nhiệm vụ pháp chế và nhiệm vụ quản lý ngành, nếu không xây dựng được tổ chức đủ mạnh mà chỉ bố được cán bộ chuyên trách, thậm chí là kiêm nhiệm thì việc phối hợp, gắn kết nhiệm vụ này với các nhiệm vụ chuyên môn chính của đơn vị là rất khó khả thi. Thực tiễn hoạt động cho thấy, mặc dù chức năng, nhiệm vụ rất lớn nhưng đội ngũ cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoạt động còn thiếu hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ trong công tác tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật;
- Công tác phối hợp, theo dõi, đánh giá, quản lý, kiểm tra đội ngũ pháp chế không rõ ràng, thiếu chặt chẽ do đó hầu như không có sự đánh giá rõ ràng về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế. 
Nguyên nhân khách quan
Chính sách pháp luật về tổ chức, bộ máy, công chức, viên chức có nhiều thay đổi, đặc biệt trong những năm gần đây việc tinh giản bộ máy, biên chế được đẩy mạnh đã dẫn đến một số quy định của Nghị định s 55/2011/NĐ-CP không còn phù hợp.
Nguyên nhân chủ quan
- Hệ thống thể chế quy định về hoạt động pháp chế còn có điểm bất cập, khó thực hiện, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế gặp nhiều khó khăn;
- Nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ công chức pháp chế của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa cao, chưa quan tâm kiện toàn, tạo điều kiện cho công chức pháp chế thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định;
- Chưa có cơ chế thu hút người có trình độ chuyên môn phù hợp thực hiện công tác pháp chế.
Một số đề xuất, kiến nghị
Qua quá trình thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP,  đề nghị Bộ Tư pháp khi nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các quy định về tổ chức pháp chế, cần quan tâm xem xét một số nội dung như:
Về quy định thành lập Phòng Pháp chế
Theo quy định về cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hiện nay, đề nghị không quy định bắt buộc thành lập Phòng Pháp chế, thay vào đó xem xét bố trí công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ pháp chế tại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thường xuyên tham mưu xây dựng chính sách, văn bản QPPL (giao quyền cho các địa phương chủ động lựa chọn), hoặc có thể nghiên cứu theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, biên chế cho ngành Tư pháp để có bộ phận chuyên môn chuyên trách đủ mạnh, chuyên sâu, chuyên nghiệp hỗ trợ có hiệu quả cho các cơ quan chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ pháp chế ngành.
Về chuyên môn, nghiệp vụ
Theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật, tuy nhiên số công chức pháp chế đáp ứng tiêu chuẩn này là rất ít, trong thực tiễn công tác công chức pháp chế cần phải có chuyên môn sâu về hoạt động quản lý ngành, đồng thời am hiểu pháp luật là có đảm nhận được công tác pháp chế, do đó đề nghị xem xét hoàn thiện về tiêu chuẩn công chức pháp chế, đồng thời cần có đào tạo bài bản về nghiệp vụ pháp chế (kể cả đối với công chức có nguyên môn luật), đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo yêu cầu.
Về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ công chức pháp chế
Để đảm bảo thu hút, bố trí, kiện toàn đội ngũ công chức pháp chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần có chính sách cụ thể cho công chức pháp chế hoặc có chế độ tiền lương phù hợp (khi thực hiện chính sách tiền lương mới).
Về nhận thức về hoạt động pháp chế
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác pháp chế trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tác giả bài viết: Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây