KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Thứ sáu - 10/12/2021 03:29 11.946 0
Xác định vi phạm hành chính là một trong những kỹ năng hết sức quan trọng khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Việc xác định có hay không hành vi vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm là căn cứ không thể thiếu để xử lý các vi phạm hành chính, giúp cho việc thực hiện các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp xử lý được chính xác, đúng pháp luật.
1. Kỹ năng xác định vi phạm hành chính
Việc xác định vi phạm hành chính có thể được thực hiện ở nhiều thời điểm: ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, trong quá trình tiến hành xử lý vi phạm theo thủ tục hành chính, thậm chí khi đã có các quyết định xử lý nhưng cần phải xem xét, đánh giá lại sự việc trong quá trình giải quyết khiếu nại do có khiếu nại hoặc tham gia tranh tụng hành chính do bị kiện.
Trong từng sự việc cụ thể, để xác định một hành vi có phải là hành vi vi phạm hành chính không cần thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Phân tích, đánh giá các tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc thực tế đã xảy ra
Người đang thi hành công vụ, cơ quan hành chính có thẩm quyền khi nhận được thông tin hoặc tự phát hiện thấy hành vi của cá nhân, tổ chức mà nghi ngờ là vi phạm cần đánh giá hành vi thực tế do cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi gì? diễn biến như thế nào? trong lĩnh vực nào?...
Trong tình huống trên, thông tin về hành vi chiếm đất ban đầu là do một bên tranh chấp đất đai cung cấp cho cơ quan hành chính, thông qua việc họ thực hiện thủ tục hành chính khiếu nại. Để xác định có hành vi vi phạm hành chính không phải xem xét các tình tiết của sự việc, như:
Hành vi bị coi là hành vi vi phạm đã được thực hiện như thế nào, vào thời điểm nào, diễn biến của hành vi đó như thế nào? (đang diễn ra hay đã chấm dứt).
- Căn cứ nào để có thể khẳng định hành vi đó là hành vi vi phạm hoặc không vi phạm.
- Căn cứ để xác định hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào.
Bước 2: Lựa chọn và áp dụng văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật để đánh giá hành vi vi phạm.
Để có cơ sở pháp lý xác định hành vi vi phạm, cần tìm văn bản pháp luật, tìm quy định pháp luật tương ứng mô tả hành vi vi phạm. Các văn bản pháp luật áp dụng bao gồm văn bản quy định chung cho tất cả các trường hợp xử lý vi phạm hành chính và các văn bản vi phạm riêng cho từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở dự đoán hành vi đang có dấu hiệu vi phạm thuộc lĩnh vực nào để chọn Nghị định và văn bản pháp luật khác (nếu có) phù hợp.
Tiếp theo là đối chiếu các hành vi thực tế với hành vi vi phạm được mô tả trong quy định của pháp luật (có thể 1 hoặc nhiều văn bản pháp luật), để khẳng định hành vi thực tế đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật được pháp luật quy định hay không; để đánh giá tính chất mức độ của hành vi vi phạm có thể phải đối chiếu thêm với quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các hành vi đó.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là phải đánh giá xem hành vi đó có thuộc thẩm quyền xử lý trong phạm vi công vụ không. Vì nhiều khi trong một vụ vi phạm, người vi phạm có nhiều hành vi vi phạm, các hành vi vi phạm thuộc nhiều lĩnh vực quản lý, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều chủ thể quản lý, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (Nghị định) khác nhau. Hoặc có thể chỉ có một hành vi nhưng nếu không nắm vững các quy định pháp luật, đánh giá không đúng tính chất của hành vi vi phạm sẽ dẫn đến nhầm lẫn lĩnh vực pháp luật điều chỉnh và xác định sai thẩm quyền.
Nếu đủ căn cứ khẳng định có hành vi vi phạm và hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền giải quyết (có thể là thẩm quyền lập biên bản hoặc thẩm quyền ra quyết định xử lý) thì lựa chọn tiếp các quy định pháp luật về thủ tục xử lý.
Bước 3: Lập biên bản vi phạm hành chính.
Khi đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ pháp lý áp dụng thì chủ thể có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm chính là kết quả của áp dụng pháp luật cho một trường hợp cụ thể, chính thức ghi nhận sự tồn tại của một hành vi vi phạm pháp luật và căn cứ pháp lý để xác định hành vi đó.
Trong trường hợp xác định hành vi vi phạm khi giải quyết khiếu nại, khiếu kiện thì cần kiểm tra tính hợp pháp của biên bản vi phạm hành chính đã được lập trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
2. Kỹ năng lập biên bản vi phạm hành chính
Lập biên bản vi phạm hành chính là một thủ tục được thực hiện trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính (trừ trường xử phạt theo thủ tục đơn giản với hành vi được quy định hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức).
Trong trường hợp xử phạt mà quy định lập biên bản vi phạm hành chính là bắt buộc thì đây là một trong những căn cứ để ban hành quyết định xử phạt, đồng thời là một trong những căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của quyết định xử phạt. Nếu biên bản vi phạm hành chính không hợp pháp (có thể không hợp pháp về hình thức hoặc nội dung) thì đó là một trong các căn cứ để khẳng định quyết định xử phạt là trái pháp luật về trình tự, thủ tục và căn cứ pháp lý.
Biên bản vi phạm hành chính hợp pháp khi được lập theo đúng quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và quy định tương ứng trong Nghị định xử phạt ở từng lĩnh vực, nghĩa là đảm bảo về chủ thể có thẩm quyền lập biên bản, hình thức, nội dung của biên bản và tính kịp thời của việc lập biên bản.
Chủ thể có thẩm quyền lập biên bản đối với những hành vi vi phạm hành chính là người có thẩm quyền đang thi hành công vụ. Người lập biên bản có thể đồng thời là người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt hoặc người lập biên bản là người đang thi hành công vụ có thẩm quyền lập biên bản nhưng không có thẩm quyền xử phạt.
Giới hạn của phạm vi thẩm quyền lập biên bản là “chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản”.
Về hình thức, biên bản vi phạm hành chính được lập theo mẫu được hướng dẫn tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, ngoài ra tùy từng lĩnh vực có thể được hướng dẫn chi tiết hơn tại các văn bản khác.
Về nội dung, biên bản phải đảm bảo các nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm (nếu có nhiều tờ phải ký vào từng tờ); trong trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan không ký vào biên bản vi phạm thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến; nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
* Quy trình lập biên bản vi phạm hành chính: Để lập được biên bản vi phạm hành chính phải bắt đầu từ việc phát hiện hành vi vi phạm => đánh giá tính chất của hành vi vi phạm => lựa chọn các quy định pháp luật để xác định hành vi vi phạm và căn cứ xử lý hành vi vi phạm, thẩm quyền, thủ tục lập biên bản => lập biên bản.
- Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của mình thì người đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản.
Việc phát hiện hành vi vi phạm chủ yếu thông qua việc các chủ thể quản lý trong cơ quan Nhà nước (Ví dụ: cán bộ, công chức Hải quan, Thuế, Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, công chức của Ủy ban nhân dân các cấp...) thực hiện hoạt động công vụ. Bên cạnh đó có thể từ các nguồn khác như từ khiếu nại, tố cáo của công dân.
Văn bản pháp luật trực tiếp quy định về các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực là các Nghị định quy định xử phạt, xử lý hành chính. Tuy nhiên để chọn và áp dụng đúng các điều luật, các khoản, điểm trong điều luật cụ thể phù hợp của các văn bản pháp luật đó thì phải đánh giá đúng tính chất của hành vi vi phạm.
Ví dụ: Phát hiện việc xây dựng không phép trên đất lấn chiếm đồng thời đất đó lại cũng không được phép xây dựng thì người có thẩm quyền lập biên bản cần áp dụng các văn bản pháp luật nào, điều luật nào để xác định hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm?
Cũng cần lưu ý: Hành vi vi phạm hành chính là hành vi được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm của hành vi đó, có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng.
- Biên bản phải được lập ít nhất thành 02 (hai) bản, 01 (một) bản giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm; 01 (một) bản lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại điều, nội dung và hình thức đảm bảo như đã phân tích ở trên).
* Những lưu ý khi lập Biên bản vi phạm hành chính
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần.
- Người có thẩm quyền lập biên bản không đồng thời là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt: người lập biên bản phải chuyển ngay biên bản và hồ sơ, tài liệu có liên quan đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt. Căn cứ để phân định thẩm quyền của người lập biên bản và người ra quyết định xử phạt trong từng trường hợp cụ thể là các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt trong lĩnh vực cụ thể về hình thức phạt, mức phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả mà các chủ thể quản lý trong lĩnh vực đó được quyền áp dụng.
- Lập biên bản đối với vi phạm được phát hiện do phương tiện kỹ thuật.- Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì không lập biên bản mới, người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.
Cần phân biệt với trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới, sẽ tiến hành lập biên bản đối với hành vi vi phạm mới đó.
- Lập biên bản khi người vi phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm: biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ từng hành vi vi phạm. Đó sẽ là căn cứ để xác định hình thức xử phạt, mức phạt với từng hành vi và biện pháp khắc phục hậu quả.
- Lập biên bản vi phạm trong trường hợp có lấy lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm.
Đối với những vi phạm nghiêm trọng, hoặc có tình tiết phức tạp cần làm rõ thì nhất thiết phải lấy ngay lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, các giấy tờ chứng minh nhân thân như số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp..., lời khai của họ.
Nếu trong quá trình lấy lời khai có sử dụng phương tiện ghi âm thì sau khi ghi âm xong phải mở máy cho mọi người nghe lại, sau đó niêm phong công cụ lưu trữ dữ liệu ghi âm như băng, thẻ nhớ… đã ghi với đầy đủ chữ ký của các bên liên quan trên niêm phong.
* Những sai sót thường gặp khi lập biên bản vi phạm hành chính
- Áp dụng biện pháp ngăn chặn (Ví dụ: tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm) nhưng không ghi trong biên bản vi phạm.
- Ghi thiếu các nội dung được quy định tại Khoản 2, Điều 58, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên cũng có bất cập khi quy định phải ghi lời khai của người vi phạm hoặc của người chứng kiến, người bị thiệt hại nhưng trong mẫu biên bản không thể hiện rõ ghi ở vị trí nào.
- Không có đủ các chữ ký theo quy định, hoặc chữ ký không phải của người cần ký theo quy định.
- Không đánh giá đúng hành vi vi phạm dẫn đến áp dụng sai các quy định của pháp luật.







 

Tác giả bài viết: Lê Công Huấn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây