Từ ngày 01/01/2022, việc lập BBVPHC được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Lập biên bản vi phạm hành chính (BBVPHC) có rất nhiều điểm mới so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Vì vậy, để Lập một BBVPHC đúng với quy định pháp luật cán bộ, công chức được phân công tham mưu thiết lập BBVPHC cần lưu ý:
Các trường hợp người có thẩm quyền phải lập BBVPHC:
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính (Điều 57, Điều 58, Điều 63), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Điều 12) có thể xác định các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính phải lập BBVPHC bao gồm các trường hợp sau:
Thứ nhất là trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hình thức phạt tiền mà mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức;
Thứ hai là trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; hình thức xử phạt trục xuất và biện pháp khắc phục hậu quả.
Thứ ba là vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ.
Xác định chủ thể có thẩm quyền lập BBVPHC:
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì chủ thể có thẩm quyền lập BBVPHC, bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt;Công chức, viên chức;Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì các chức danh có thẩm quyền lập BBVPHC được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Về nội dung của BBVPHC:
BBVPHC phải đảm bảo nội dung cơ bản sau: (1) Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; (2) Họ và tên, chức vụ người lập biên bản; (3) Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; (4) Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; (5) Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm; (6) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC; (7) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền); (8) Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có); (9) Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản; (10) Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc; (11) Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp
Nội dung của BBVPHC đã được mẫu hóa tại các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/ND-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC. Theo đó, người có thẩm quyền lập BBVPHC lập trên cơ sở các nội dung “buộc phải có” theo quy định và các nội dung khác (nếu có) để đảm bảo toàn diện, đầy đủ, làm căn cứ để người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
Về thời hạn lập BBVPHC:
Khoản 1 Điều 58 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định: “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập BBVPHC, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”. Để làm rõ quy định này, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/ND-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC về thời hạn lập BBVPHC. Theo đó, BBVPHC được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì BBVPHC được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì BBVPHC được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập BBVPHC hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập BBVPHC và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì BBVPHC được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC trong một số lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là một số lĩnh vực, để xác định được hành vi vi phạm cụ thể, đòi hỏi “người đang thi hành công vụ, nhiệm vụ” phải có các hoạt động kiểm tra, xác minh trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan dẫn đến rất khó để lập BBVPHC theo thời hạn đã nêu ở trên, như lĩnh vực về kinh doanh thương mại, lâm nghiệp, môi trường… đó là chưa tính đến việc các cơ quan quản lý theo ngành dọc có thẩm quyền XPVPHC (quản lý thị trường, kiểm lâm), người có thẩm quyền lập BBVPHC là kiểm lâm viên, kiểm soát viên thị trường, thanh tra viên….trong khi vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp trên hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Để đảm bảo thời hạn lập BBVPHC, cần phải xác định thời điểm “kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính” để “người đang thi hành công vụ, nhiệm vụ” kịp thời lập biên bản. Theo đó, trong những trường hợp “người đang thi hành công vụ, nhiệm vụ” phát hiện được hành vi vi phạm, nhưng chưa xác định rõ hành vi vi phạm trong lĩnh vực pháp luật cụ thể nào? Mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả… mà phải thông qua các hoạt động giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện, các hoạt động phối hợp, xin ý kiến chuyên môn cơ quan có thẩm quyền và các trường hợp cần thiết khác, thì cần thiết phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc. Sau khi xác định được rõ hành vi vi phạm thì “người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ” lập BBVPHC theo thời hạn quy định và chuyển BBVPHC cho người có thẩm quyền xử phạt.
Về ký BBVPHC:
BBVPHC phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Về giao BBVPHC:
BBVPHC lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản;
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập BBVPHC hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao BBVPHC được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành.
Như vậy, BBVPHC hợp pháp, theo đúng các quy định của pháp luật thì phải đảm bảo các yếu tố về chủ thể có thẩm quyền lập biên bản, hình thức, nội dung của biên bản, tính kịp thời của việc lập biên bản và một số nội dung khác liên quan, do đó, khi lập BBVPHC, người có thẩm quyền cần lưu ý:
Một là, BBVPHC phải được lập cụ thể, rõ ràng, thông tin, số liệu phải chính xác để người có thẩm quyền có căn cứ để xem xét ban hành quyết định xử phạt.
Hai là, không lập BBVPHC đối với trường hợp vi phạm hành chính bị xử phạt theo thủ tục không lập BBVPHC quy định tại Điều 56, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Bốn là, trường hợp BBVPHC có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với BBVPHC và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
Năm là, đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập BBVPHC hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.
Sáu là, người có thẩm quyền lập BBVPHC, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc chuyển BBVPHC hoặc hồ sơ vụ vi phạm không đúng thời hạn dẫn đến quá thời hạn ra quyết định xử phạt, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.