Lưu ý khi áp dụng quy định pháp luật xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của luật sư
Phòng PBGDPL&TDTHPL
2022-12-21T02:11:14-05:00
2022-12-21T02:11:14-05:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/huong-dan-nghiep-vu/luu-y-khi-ap-dung-quy-dinh-phap-luat-xu-phat-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-hanh-chinh-cua-luat-su-205.html
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/tai-lieu-tuyen-truyen/2022_11/can-tro-hoat-dong-to-tung.png
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi là Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) khi áp dụng xử phạt cần lưu ý như sau:
1. Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng
1.1. Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (sau đây gọi là Pháp lệnh số 02/2022).Pháp lệnh số 02/2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2022.
Tại khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh số 02/2022 quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư có hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022 quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư “xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án”.
Các hành vi tại 02 điều khoản nêu trên của Pháp lệnh ngoài bị phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” (khoản 5 Điều 15 và khoản 5 Điều 21 Pháp lệnh).
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022 quy định: Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
1.2. Điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Như vậy, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của luật sư tại khoản 3, khoản 5 Điều 15 và khoản 3, khoản 5 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022 đang khác với quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 82/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Hai văn bản cùng quy định xử phạt một hành vi nhưng chế tài xử phạt đối với hành vi này của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư”; còn khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022 quy định phạt tiền (15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng) và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Theo quy định của khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp này, khi phát hiện hành vi của luật sư xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án, thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét áp dụng quy định của Pháp lệnh số 02/2022 để xử lý.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng
Pháp lệnh số 02/2022 chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của một số chức danh của Tòa án nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công an 3 nhân dân... đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều 15 và điểm c khoản 3 Điều 21. Do vậy, khi phát hiện luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án, thì cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ quy định của Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 để xử lý, không áp dụng quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp; Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp sẽ không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có các chức danh đã được quy định tại Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 mới có thẩm quyền xử phạt.
Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL